Việc đánh nhau ở quán nhậu hiện nay diễn ra khá phổ biến ở nước ta. Tuy nhiên, đa số họ không biết rằng hành vi này có thể bị khởi tố và truy cứu trách nhiệm hình sự với tội gây rối trật tự công cộng. Điều này sẽ được làm rõ trong phạm vi bài viết.
1. Tội gây rối trật tự công cộng theo quy định pháp luật hình sự
Khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị XỬ PHẠT vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì sẽ phạm tội gây rối trật tự công cộng.
Như vậy, để phạm tội này, người phạm tội phải thực hiện hành vi gây rối bằng một hay nhiều cách thức khác nhau như dùng vũ khí tấn công người khác hay đập phá các công trình công cộng hay có hành vi phá phách, tấn công người khác theo băng, nhóm… ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự chung, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Đối với tội này, điểm đặc biết của tội này là hậu quả có thể là hậu quả bắt buộc, cũng có thể không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Cụ thể:
Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc nếu người phạm tội lần đầu, tức là chưa bị xử phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc chưa bị kết án về tội này hoặc tuy đã bị kết án về tội này nhưng đã được xoá án tích.
Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc nếu người phạm tội đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý là dù có hành vi gây rối trật tự công cộng như đủ điều kiện cấu thành một tội khác thì người gây rối chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng họ đã thực hiện mà không phải tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
2. Mức phạt đối với tội gây rối trật tự công cộng
Người phạm tội gây rối trật tự công cộng thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Tuy nhiên, trong trường hợp phạm tội và có các tình tiết tăng nặng khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
- Có tổ chức;
- Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;
- Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
- Xúi giục người khác gây rối;
- Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
- Tái phạm nguy hiểm.
3. Đánh nhau ở quán nhậu có phạm tội gây rối trật tự công cộng không ?
Thực tế, việc xác định có phạm tội gây rối trật tự công cộng hay không vẫn chưa được hướng dẫn rõ ràng, do đó, việc xác định có phạm tội gây rối hay không phụ thuộc khá nhiều vào công tác nghiệp vụ của cơ quan chức năng. Trong đó, điểm quan trọng để cấu thành tội này là việc gây rối phải được diễn ra tại nơi công cộng.
Ở nước ta, quán nhậu khá phổ biến và thường “tụ tập khá đông người”, do đó, quán nhậu được xem là nơi sinh hoạt đông người. Những hành động như đánh nhau ở quán nhậu gây ảnh hưởng đến những người xung quanh, thậm chí, gây ra thương tích không đáng có. Vì vậy, hoàn toàn có cơ sở xem xét quán này là nơi công cộng.
Ngoài ra, để xác định việc đánh nhau ở quán nhậu có phạm tội gây rối trật tự công cộng không cần phải xem xét một số yếu tố khác. Trong trường hợp mức độ ảnh hưởng không lớn, có thể xử phạt hành chính thay vì khởi tố tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Không những thế, khi hành vi đánh nhau ở quán nhậu đủ yếu tố cấu thành tội phạm khác thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm khác như tội cố ý gây thương tích, tội giết người,… mà không bị truy cứu tội gây rối trật tự công cộng.
Nếu Quý bạn đọc có thắc mắc về vấn đề trên hoặc muốn được tư vấn trực tiếp hoặc yêu cầu hỗ trợ, vui lòng liên hệ Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline bên dưới.
Có thể bạn quan tâm:
Bài viết nói về: Đánh nhau ở quán nhậu có bị khởi tố tội gây rối trật tự công cộng không?
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Hà Ngọc Tuyền
February 21, 2020 at 10:00AM
0 comments
Đăng nhận xét