Cho vay với lãi suất cao điển hình như “vay nóng”, “vay nặng lãi” khiến quyền và lợi ích của người dân bị xâm phạm do họ không trả được nợ gốc, tiền lãi, lãi mẹ đẻ lãi con. Trường hợp lãi suất vượt quá quy định của pháp luật thì có thể bị xử lý hình sự hoặc hành chính.
1. Khi nào thì áp dụng lãi suất tiền vay?
Lãi suất thường được áp dụng trong các hợp đồng, giao dịch dân sự. Chủ yếu là hợp đồng vay tài sản, hợp đồng tín dụng, … Lãi suất được áp dụng trong trường hợp:
- Các bên trong giao dịch có thỏa thuận về lãi;
- Lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi chậm trả theo quy định của pháp luật: luật chung hoặc luật chuyên ngành.
2. Mức lãi suất cho vay tối đa trong hợp đồng vay?
Theo Điều 468 BLDS 2015 quy định lãi suất vay như sau:
Lãi suất vay do các bên thỏa thuận
- Lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
- Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Có thỏa thuận nhưng không xác định rõ lãi suất
Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn theo quy định của BLDS (là không vượt quá 10%/năm của khoản tiền vay) tại thời điểm trả nợ.
3. Mức lãi suất nợ quá hạn theo quy định của pháp luật?
Theo khoản 5 Điều 466 BLDS 2015, khoản 2 Điều 13 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP quy định về lãi suất nợ quá hạn trong hợp đồng vay tài sản, hợp đồng tín dụng:
Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
- Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất 10%/năm của khoản tiền vay.
- Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp hai bên thỏa thuận mức lãi suất.
4. Lãi suất cao bao nhiêu là cấu thành tội cho vay nặng lãi?
Theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS) thì các yếu tố cấu thành tội cho vay nặng lãi cụ thể là:
- Mặt khách thể: Là an ninh trật tự trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ.
- Mặt khách quan: Hành vi cho người khác vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS (20%/năm); Hoặc hành vi nhằm thu lợi bất chính, có yếu tố chuyên nghiệp hướng đến mục tiêu lợi nhuận.
- Mặt chủ thể: Người có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
- Mặt chủ quan: Cố ý trực tiếp thu lợi bất chính từ việc cho vay nặng lãi và mong muốn hậu quả xảy ra, mong muốn mục đích đạt được.
Chế tài xử phạt tội vay nặng lãi theo các khung hình phạt khác nhau:
- Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
- Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên155, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Chế tài xử phạt hành chính khi cho vay nặng lãi
Ngoài việc xử lý hình sự về tội cho vay nặng lãi, căn cứ điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định: Cho “vay tiền” có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay thì:
- Bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng;
- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng (nếu có);
- Đối với Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trên đây là nội dung bài viết quy định về lãi suất cao hơn so với quy định của pháp luật. Trường hợp quý bạn đọc có vấn đề cần tư vấn, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline bên dưới. Xin cảm ơn.
Có thể bạn quan tâm:
Bài viết nói về: Cho vay với lãi suất cao thì phạm tội gì?
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Hà Ngọc Tuyền
February 11, 2020 at 10:00AM
0 comments
Đăng nhận xét