Xác định thẩm quyền điều tra không chỉ căn cứ vào loại cơ quan điều tra, phân cấp trong cơ quan điều tra mà còn căn cứ vào nơi xảy ra tội phạm. Khi đó, khi một tội phạm xảy ra, cơ quan nào là cơ quan có thẩm quyền điều tra vụ án hình sự này? Trong phạm vi bài viết, chúng tôi sẽ làm rõ về vấn đề này.
1. Thế nào là điều tra trong vụ án hình sự?
- Hiện nay trong bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) không có định nghĩa thế nào là điều tra.
- Tuy nhiên, có thể hiểu, điều tra là một hoạt động/giai đoạn do người, cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhằm thu thập chứng cứ, xác định sự thật khách quan, toàn diện và đầy đủ cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Đây là một giai đoạn quan trọng trong việc giải quyết một vụ án hình sự, thu thập căn cứ để xác định một người có phạm tội hay không.
2. Nguyên tắc xác định cơ quan có thẩm quyền điều tra
Thẩm quyền điều tra một vụ án hình sự được quy định cụ thể tại Điều 163 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Theo đó, việc xác định cơ quan có thẩm quyền điều tra dựa vào ba yếu tố:
- Theo hệ thống tổ chức của Cơ quan điều tra – loại Cơ quan điều tra;
- Theo phân cấp Cơ quan điều tra;
- Theo lãnh thổ – nơi xảy ra TỘI PHẠM.
Trong trường hợp không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt. Khi có tranh chấp về thẩm quyền điều tra thì Viện kiểm sát có trách nhiệm giải quyết.
3. Hệ thống tổ chức của Cơ quan điều tra
Theo quy định pháp luật hiện hành, các cơ quan có thẩm quyền điều tra trong vụ án hình sự bao gồm:
- Cơ quan điều tra của Công an nhân dân;
- Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân;
- Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương;
Cơ quan điều tra của Công an nhân dân bao gồm Cơ quan An ninh điều tra (được tổ chức ở cấp Trung ương và cấp tỉnh) và Cơ quan Cảnh sát điều tra (được tổ chức ở cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện).
Trong Quân đội nhân dân thì Cơ quan điều tra bao gồm Cơ quan điều tra quân sự (được tổ chức ở Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục, Quân khu, Quân đoàn, Quân chủng, Binh chủng, Binh đoàn, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng và Cơ quan điều tra hình sự khu vực) và Cơ quan điều tra an ninh quân đội (được tổ chức ở Bộ Quốc phòng, ở Quân khu, Quân chủng, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng).
Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao bao gồm: Cục điều tra thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Phòng điều tra thuộc Viện kiểm sát quân sự Trung ương.
4. Phạm vi điều tra đối với từng Cơ quan điều tra
Vì hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền điều tra bao gồm nhiều cơ quan. Do đó, pháp luật quy định khá chặt chẽ về phạm vi điều tra của các cơ quan trên nhằm tránh việc tranh chấp hay đùn đẩy trách nhiệm đối với việc điều tra một vụ án hình sự.
Theo đó, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của Bộ luật hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, “Viện kiểm sát”, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.
Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự. Điều này được quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BCA.
Những tội phạm không thuộc hai trường hợp trên thì đều do Cơ quan điều tra của Công an nhân dân điều tra.
Ngoài ra, Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp “thực hiện tội phạm tại nhiều nơi khác nhau” hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.
5. Thẩm quyền điều tra được phân cấp thế nào?
Phân cấp thẩm quyền điều tra được xác định như sau:
- Cơ quan điều tra cấp huyện, Cơ quan điều tra quân sự khu vực điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực;
- Cơ quan điều tra cấp tỉnh điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp tỉnh hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp huyện xảy ra trên địa bàn nhiều nơi, phạm tội có tổ chức hoặc có yếu tố nước ngoài nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra;
- Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự cấp quân khu hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp khu vực nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra;
- Cơ quan điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng điều tra vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại; vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều tỉnh, vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều quốc gia nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra.
Nếu Quý bạn đọc có thắc mắc về vấn đề trên hoặc muốn được tư vấn trực tiếp hoặc yêu cầu hỗ trợ, vui lòng liên hệ Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline bên dưới.
Có thể bạn quan tâm:
Bài viết nói về: Cách xác định thẩm quyền điều tra trong vụ án hình sự
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Hà Ngọc Tuyền
February 05, 2020 at 10:00PM
0 comments
Đăng nhận xét