Cách tính phụ cấp trách nhiệm trong doanh nghiệp hiện nay

No Comments

Phụ cấp trách nhiệm loại dạng phụ cấp đặc thù áp dụng riêng đối với các vị trí quản lý. Do đó, không phải đối tượng này cũng được nhận loại phụ cấp này. Cách tính phụ cấp trách nhiệm cũng có những khác biệt. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi sẽ làm rõ về vấn đề này.

cach tinh phu cap trach nhiem trong doanh nghiep
Cách tính phụ cấp trách nhiệm trong doanh nghiệp hiện nay

1. Quy định của pháp luật về phụ cấp trách nhiệm

  • Phụ cấp trách nhiệm là loại phụ cấp nhằm bù đắp cho những người vừa trực tiếp sản xuất hoặc làm công tác chuyên môn nghiệp vụ vừa kiêm nhiệm công tác quản lý không thuộc CHỨC VỤ lãnh đạo, hoặc những người làm công việc đòi hỏi trách nhiệm cao mà điều kiện này chưa được xác định trong mức lương.
  • Theo đó, phụ cấp trách nhiệm được áp dụng đối với người lao động làm một số công việc thuộc công tác quản lý (như tổ trưởng, tổ phó, đội trưởng, đội phó, quản đốc, đốc công, trưởng ca, phó trưởng ca, trưởng kíp, phó trưởng kíp và chức danh tương tự) hoặc công việc đòi hỏi trách nhiệm cao hơn so với trách nhiệm đã tính trong mức lương của thang lương, bảng lương (như thủ quỹ, thủ kho, kiểm ngân và chức danh tương tự).
  • Trong khi đó, trợ cấp là khoản tiền người lao động được cấp khi rơi vào tình trạng không có hoặc tạm thời ngừng lao động, trên cơ sở số tiền mà người lao động đã thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm trong thời gian lao động (ví dụ: trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc,…).
  • Xuất phát từ bản chất là một khoản tiền mà người sử dụng lao động hỗ trợ người lao động để bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, mức độ phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt… chưa được tính đến hay tính chưa đầy đủ trong mức lương. Do đó, phụ cấp trách nhiệm được xác định là loại phụ cấp chứ không phải trợ cấp.

2. Cách tính phụ cấp trách nhiệm

Phu cap trach nhiem duoc tinh theo quy dinh phap luat
Doanh nghiệp trả phụ cấp trách nhiệm theo hệ số và chức danh công việc
  • Là một loại phụ cấp do các bên (người lao động và người sử dụng lao động) thỏa thuận, được ghi nhận cụ thể trong trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định trong quy chế của người sử dụng lao động.
  • Theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 11 Thông tư 17/2015/TT-BLĐTBXH thì công ty rà soát, đánh giá yếu tố trách nhiệm đối với công việc để xác định mức phụ cấp trách nhiệm, bảo đảm mức phụ cấp cao nhất không vượt quá 10% mức lương của công việc hoặc chức danh trong thang lương, bảng lương.
  • Phụ cấp trách nhiệm được tính trả cùng kỳ trả lương hàng tháng. Khi đó, phải xác được thang lương, bảng lương để xác định mức lương, từ đó tính phụ cấp trách nhiệm tối đa. Ngoài ra, nếu không làm công việc được hưởng phụ cấp trách nhiệm từ 01 tháng trở lên thì không hưởng phụ cấp trách nhiệm.

Hiện nay,

  • Phụ cấp trách nhiệm sẽ bao gồm 04 mức: 0,1; 0,2; 0,3 và 0,5 so với mức lương “tối thiểu” chung.
  • Phụ cấp có mức độ cụ thể phụ thuộc và chức danh, mức trách nhiệm mà người lao động đảm nhiệm.
  • Riêng đối với đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức thì mức phụ cấp trách nhiệm được quy định tại Khoản 2 Điều 2 mục II Thông tư 05/2005/TT-BNV ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp trách nhiệm công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức:

Các trường hợp áp dụng mức 1, hệ số 0,5

  • Cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế trả lương của các phòng Bảo vệ sức khỏe Trung ương 2, Bảo vệ sức khỏe Trung ương 3, Bảo vệ sức khỏe Trung ương 5 thuộc Bệnh viện Hữu nghị và phòng Bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương phía Nam thuộc Bệnh viện Thống nhất;
  • Lái xe phục vụ các chức danh từ Phó Thủ tướng Chính phủ và tương đương trở lên.

Các trường hợp áp dụng mức 2, hệ số 0,3

  • Trạm trưởng, Trại trưởng các trạm, trại nghiên cứu ứng dụng, thực nghiệm khoa học kỹ thuật của các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản;
  • Trạm trưởng, Trại trưởng các trạm, trại nuôi trồng cây con, thuốc quý hiếm để nghiên cứu trong phòng thí nghiệm y, dược khoa và làm thuốc;
  • Cán bộ, viên chức trực tiếp vận hành, bảo dưỡng máy gia tốc điện tử MT-17, máy phát nơtron NA-3C, người xử lý mẫu và nguồn phóng xạ kín, hở, an toàn phóng xạ;
  • Cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế trả lương của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
  • Cán bộ, viên chức thuộc biên chế trả lương của các khoa, bộ phận hồi sức cấp cứu và trực tiếp phục vụ cấp cứu bệnh nhân tại trạm cấp cứu 05;
  • Giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục thuộc biên chế trả lương của các trường chuyên biệt;
  • Giáo viên được cử làm Tổng phụ trách (chuyên trách và bán chuyên trách) Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh ở trường phổ thông hạng I;
  • Huấn luyện viên trưởng đội tuyển thể dục, thể thao Quốc gia;
  • Lái xe phục vụ chức danh Bộ trưởng và tương đương;
  • Trưởng kho vật liệu nổ, nhân viên cung ứng vật liệu nổ.

Các trường hợp áp dụng mức 3, hệ số 0,2

  • Phó trạm trưởng, Phó trại trưởng các trạm, trại nghiên cứu ứng dụng, thực nghiệm khoa học kỹ thuật của các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản;
  • Phó trạm trưởng, Phó trại trưởng các trạm, trại nuôi trồng cây con, thuốc quý hiếm để nghiên cứu trong phòng thí nghiệm y, dược khoa và làm thuốc;
  • Cán bộ, viên chức bảo vệ, vận chuyển, làm việc với các mẫu và nguồn phóng xạ kín và hở; kiểm tra độ phóng xạ khu vực máy gia tốc điện tử MT-17, máy phát nơtron NA-3C và trung tâm đo phóng xạ; phục vụ công tác an toàn máy gia tốc điện tử MT-17, máy phát nơtron NA-3C, vệ sinh khu vực máy, kho nguồn và trung tâm đo phóng xạ;
  • Tổ trưởng các ngành địa chất, khí tượng thuỷ văn, khảo sát, đo đạc, trồng rừng và điều tra rừng;
  • Trưởng kho lưu trữ tài liệu, thư viện, Trưởng kho lưu trữ bảo quản, phục chế hiện vật trong các bảo tàng hạng II trở lên, kho khu di tích Phủ Chủ tịch;
  • Trưởng kho lưu trữ tài liệu thuộc Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước;
  • Trưởng kho thuộc Cục Dự trữ Quốc gia;
  • Trưởng kho, Trưởng quỹ tiền, vàng bạc, đá quý Ngân hàng Nhà nước và Kho bạc Nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện;
  • Cán bộ, viên chức thuộc biên chế trả lương của các trại điều dưỡng thương binh nặng, bệnh viện điều trị, trại nuôi dưỡng người tâm thần, bệnh phong;
  • Giáo viên được cử làm Tổng phụ trách (chuyên trách và bán chuyên trách) Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh ở trường phổ thông hạng II;
  • Cán bộ, viên chức thuộc biên chế trả lương của Bệnh viện Hữu nghị;
  • Huấn luyện viên trưởng đội tuyển thể dục, thể thao tỉnh, ngành, thành phố trực thuộc Trung ương;
  • Bác sĩ, kỹ thuật viên y học thể dục, thể thao ở đội tuyển Quốc gia làm công tác kiểm tra, theo dõi, chăm sóc, phục hồi sức khoẻ cho các vận động viên;
  • Lái xe phục vụ các chức danh Thứ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tương đương;
  • Phó trưởng kho vật liệu nổ.

Các trường hợp áp dụng mức 4, hệ số 0.1

  • Phó trưởng kho lưu trữ tài liệu, thư viện, Phó trưởng kho lưu trữ bảo quản, phục chế hiện vật trong các bảo tàng hạng II trở lên, kho khu di tích Phủ Chủ tịch;
  • Trưởng kho lưu trữ tài liệu, thư viện Trưởng kho lưu trữ bảo quản, phục chế và giới thiệu hiện vật trong các bảo tàng;
  • Phó trưởng kho, Phó trưởng quỹ tiền, vàng bạc, đá quý Ngân hàng Nhà nước và Kho bạc Nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện;
  • Giáo viên được cử làm Tổng phụ trách (chuyên trách và bán chuyên trách) Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh ở trường phổ thông hạng III;
  • Cán bộ, viên chức y tế chuyên trách đỡ đẻ ở các trạm, bệnh viện, viện phụ sản, các khoa sản ở bệnh viện đa khoa và ở trung tâm y tế;
  • Cán bộ, viên chức y tế trực tiếp làm kiểm nghiệm thuốc;
  • Bác sĩ, kỹ thuật viên y học thể dục, thể thao ở đội tuyển cấp ngành, tỉnh làm công tác kiểm tra, theo dõi, chăm sóc, phục hồi sức khoẻ cho các vận động viên;
  • Nhân viên bảo vệ, thủ kho vật liệu nổ;
  • Thủ quỹ cơ quan, đơn vị;
  • Tổ trưởng các ngành còn lại.

4. Giải quyết tranh chấp phụ cấp trách nhiệm trong doanh nghiệp

Phuong thuc xu ly khi co tranh chap ve phu cap doanh nghiep
Phải tiến hành hòa giải trước khi khởi kiện để giải quyết tranh chấp phụ cấp doanh nghiệp

Tranh chấp phụ cấp trách nhiệm trong doanh nghiệp là tranh chấp lao động giữa cá nhân người lao động với người sử dụng lao động và không thuộc các trường hợp không bắt buộc thông qua thủ tục hòa giải theo quy định tại Khoản 1 Điều 32 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, do đó, tranh chấp này phải tiến hành hòa giải trước khi khởi kiện.

Nếu không tiến hành hòa giải mà tiến hành khởi kiện thì được xem là không đủ điều kiện khởi kiện và sẽ bị Tòa án trả đơn khởi kiện theo điểm b Khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

Trong trường hợp hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc không hòa giải trong thời hạn do pháp luật quy định thì người lao động có quyền khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền. Theo đó, Tòa án nhân dân cấp huyện là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trên.

  1. Để có thể yêu cầu Tòa án giải quyết, chủ thể muốn khởi kiện phải gửi hồ sơ khởi kiện bao gồm:
  • Đơn khởi kiện;
  • Bản sao y các loại giấy tờ chứng minh nhân thân;
  • Tài liệu, giấy tờ chứng minh yêu cầu khởi kiện.

Gửi đến Tòa án có thẩm quyền thông qua 03 phương thước:

  • Nộp trực tiếp tại Tòa án;
  • Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
  • Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
  1. Tòa án có trách nhiệm cấp ngay người khởi kiện giấy xác nhận đã nhận đơn. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
  2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện có đủ điều kiện thụ lý hay không. Đồng thời, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện để người khởi kiện đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí.
  3. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
  4. Thẩm phán được phân công thụ lý vụ án và giải quyết vụ án theo đúng trình tự pháp luật.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về cách tính phụ cấp trách nhiệm trong doanh nghiệp hiện nay. Nếu có thắc mắc về vấn đề trên hoặc Quý khách hàng muốn được tư vấn trực tiếp hoặc yêu cầu hỗ trợ, vui lòng liên hệ Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline bên dưới.

Các bạn có thể quan tâm:

Bài viết nói về: Cách tính phụ cấp trách nhiệm trong doanh nghiệp hiện nay
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Võ Thiện Hiển



February 04, 2020 at 10:00AM

0 comments

Đăng nhận xét

My maps