Công an gửi giấy triệu tập cho người dân lên làm việc trong trường hợp người đó là bị can, người tố giác tội phạm, người liên quan đến vụ án. Trong trường hợp công an gửi giấy triệu tập không đúng quy định, chúng ta có quyền từ chối làm việc để tránh làm mất thời gian cũng như tránh được những rắc rối mà chúng ta có thể gặp phải trong quá trình làm việc.
1. Trong những trường hợp nào thì công an được phép triệu tập người dân lên làm việc?
Công an triệu tập người dân lên làm việc là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên, việc đó nhiều lúc cũng tạo cho chúng ta cảm giác lo lắng, ái ngại làm việc với cơ quan điều tra.
Không phải lúc nào cũng có thể triệu tập người dân lên làm việc. Muốn triệu tập cần có lý do chính đáng cũng như giấy tờ triệu tập đúng quy định của pháp luật.
Giấy triệu tập là một biểu mẫu tố tụng được dùng trong Tố tụng hình sự. Thực tế nhiều nơi, cơ quan công an lại gửi giấy mời cho người dân yêu cầu có mặt tại cơ quan điều tra để làm việc. Không có một văn bản pháp luật nào có quy định về việc giấy mời là văn bản mang tính bắt buộc người dân phải thực hiện nghĩa vụ như giấy triệu tập.
Theo quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 37 Bộ Luật tố tụng hình sự, điều tra viên được triệu tập người dân lên làm việc trong những trường hợp sau:
- Triệu tập và hỏi cung bị can;
- Triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, kiến nghị khởi tố, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân;
- Lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ;
- triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, bị hại, đương sự;
Việc triệu tập người dân lên làm làm việc nhằm mục đích thu thập thông tin, chứng cứ phục vụ cho quá trình giải quyết vụ án. Tuy nhiên ngày càng có nhiều vụ mạo danh công an triệu tập người dân qua điện thoại với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, chúng ta nên cảnh giác để tránh những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra.
2. Nội dung, kinh nghiệm làm việc với cơ quan điều tra khi được triệu tập gồm những gì?
Trước khi trình bày lời khai cần yêu cầu Cơ quan điều tra cho biết lý do triệu tập? Bị triệu tập với tư cách gì trong vụ việc? Nội dung buổi làm việc?
Nội dung làm việc với người dân được ghi trong giấy triệu tập. Người được triệu tập chỉ có trách nhiệm hợp tác, khai báo, làm việc trong phạm vi nội dung được đề cập tới trong giấy triệu tập.
Khi làm việc với cơ quan điều tra, bạn cần suy nghĩ cẩn thận trước khi nói, những gì có liên quan đến buổi làm việc bạn chắc chắn thì hãy trả lời. Những chi tiết chưa nhớ rõ hoặc cần tài liệu đối chiếu thì không vội vàng trả lời; có thể hẹn cung cấp thông tin sau cho Cơ quan điều tra.
Trước khi ký bản khai cần:
- Tự đọc lại kiểm tra đúng nội dung đã trả lời trước đó;
- Yêu cầu cán bộ điều tra gạch những phần để trống (mà có khả năng đủ diện tích ghi thêm chữ);
- Những chữ gạch xóa viết lại phải có chữ ký xác nhận ngay tại phần gạch xóa đó; ký từng trang và trang cuối ký ghi rõ họ tên.
Theo hiến pháp năm 2013, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm.
Người được cơ quan điều tra có quyền yêu cầu đơn vị, người triệu tập giải thích quyền và nghĩa vụ của mình. Nếu có bất cứ hành vi nào nhằm trấn áp tinh thần, bị công an đánh, các hình thức ép cung, bức cung… công dân cần có thái độ phù hợp, không thái quá, đồng thời yêu cầu ngừng làm việc để có người giám hộ hoặc yêu cầu nhờ luật sư bào chữa.
3. Có thể từ chối làm việc khi bị triệu tập, cách từ chối không vi phạm quy định pháp luật?
Bộ luật tố tụng Hình sự hiện chỉ quy định người dân bắt buộc phải làm việc với cơ quan công an khi là người tham gia tố tụng (bị can, bị cáo, người bị tố giác, nhân chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan…) trong một vụ án đã được khởi tố. Không có điều luật nào quy định người dân phải chấp hành giấy mời của cơ quan công an vì các lý do không liên quan đến một vụ án đã được khởi tố.
Người dân có quyền từ chối làm việc với cơ quan điều tra trong những trường hợp sau:
- Cơ quan điều tra yêu cầu sự hợp tác của người dân mà không có giấy mời, giấy triệu tập đúng quy định của pháp luật.
- Nội dung làm việc không được ghi trong giấy mời, giấy triệu tập.
- Trường hợp bắt giữ, cưỡng chế trái với quy định phạm luật, xâm phạm quyền con người được quy định trong hiến pháp.
Trong những trường hợp trên, người dân có quyền từ chối làm việc với cơ quan công an. Hành vi từ chối này không vi phạm quy định của pháp luật mà đó là cách bảo vệ quyền con người quyền con người, quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân.
Trên đây là bài viết của chúng tôi tư vấn về những quy định của pháp luật liên quan đến việc người dân bị cơ quan công an triệu tập làm việc. Quý bạn đọc có nhu cầu tư vấn pháp luật miễn phí vui lòng liên hệ qua hotline bên dưới để được hỗ trợ. Xin cảm ơn./.
Có thể bạn quan tâm:
Bài viết nói về: Bị công an gửi giấy triệu tập xử lý nên làm gì?
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Hà Ngọc Tuyền
February 19, 2020 at 01:00PM
0 comments
Đăng nhận xét