Thủ tục yêu cầu hủy kết hôn trái luật, công nhận hôn nhân gia đình

No Comments

Thủ tục yêu cầu hủy kết hôn trái luật là thủ tục vô cùng cần thiết để đảm bảo hôn nhân giữa vợ và chồng là hôn nhân tự nguyện, bình đẳng và đúng với quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Vậy trong trường hợp nào thì việc kết hôn bị coi là trái pháp luật và phải làm thủ tục yêu cầu hủy kết hôn trái luật, những vấn đề này sẽ được quy định cụ thể trong bài viết này.

Quy định về hủy kết hôn trái pháp luật
Kết hôn phải thỏa mãn các điều kiện quy định của luật hôn nhân và gia đình

Quy định của pháp luật về kết hôn trái luật

Điều kiện công nhận kết hôn theo pháp luật

Căn cứ trên cơ sở Điều 3, Điều 8, Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.

Điều kiện để kết hôn bao gồm:

  • Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
  • Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
  • Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
  • Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định Luật hôn nhân gia đình 2014.

Bên cạnh đó, để việc kết hôn có giá trị pháp luật, người kết hôn phải làm thủ tục đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân nơi vợ hoặc chồng cư trú.

Kết hôn trái luật là gì ?

Theo Điều 3 Luật hôn nhân gia đình 2014, kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này.

Các trường hợp được coi là kết hôn trái pháp luật gồm:

  • Nam nữ chưa đủ độ tuổi kết hôn;
  • Nam nữ không tự nguyện kết hôn;
  • Lừa dối kết hôn;
  • Người đang có vợ hoặc chồng mà kết hôn với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn với người đang có chồng, có vợ.
  • Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi (đã hoặc đang); giữa cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

Yêu cầu hủy kết hôn trái luật

Chủ thể yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật
Không tự nguyện là một trong những dấu hiệu của kết hôn trái pháp luật

Người yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật

Căn cứ theo Điều 10 Luật Hôn nhân gia đình 2014, người có quyền yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật:

  • Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn khi không được tự nguyện kết hôn;
  • Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;
  • Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
  • Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
  • Hội liên hiệp phụ nữ.

Lưu ý: cá nhân, cơ quan tổ chức không phải người bị cưỡng ép kết hôn thì được yêu cầu trong trường hợp kết hôn trái pháp luật do vi phạm về độ tuổi, các trường hợp bị cấm kết hôn.

Hậu quả của hủy kết hôn trái pháp luật

Theo Điều 12 Luật hôn nhân gia đình 2014, hậu quả của việc hủy kết hôn trái pháp luật là:

  • Khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên chấm dứt quan hệ vợ chồng.
  • Quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn.
  • Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 16 của Luật này: do hai bên thỏa thuận, trong trường hợp không thỏa thuận được thì kiện lên Tòa án để giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.

Thủ tục yêu cầu hủy kết hôn trái luật

Thẩm quyền hủy kết hôn trái pháp luật
Đơn yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật

Cơ quan có thẩm quyền hủy kết hôn trái luật

Cơ quan có thẩm quyền hủy kết hôn trái pháp luật là Tòa án nhân dân cấp huyện theo Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Đối với quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài thì cơ quan có thẩm quyền là Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Khi nhận được hồ sơ yêu cầu, Tòa án sẽ xử lý yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình 2014 và Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP.

Trường hợp tại thời điểm kết hôn, hai bên kết hôn không đủ điều kiện kết hôn nhưng sau đó có đủ điều kiện kết hôn theo Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì:

  • Nếu hai bên kết hôn cùng yêu cầu Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án quyết định công nhận hôn nhân đó kể từ thời điểm các bên kết hôn có đủ điều kiện kết hôn.
  • Nếu một hoặc hai bên yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật hoặc có một bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân hoặc có một bên yêu cầu ly hôn còn bên kia không có yêu cầu thì Tòa án quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật.
  • Trường hợp hai bên cùng yêu cầu Tòa án cho ly hôn hoặc có một bên yêu cầu ly hôn còn bên kia yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

Còn nếu sau đấy hai bên vẫn không đủ điều kiện kết hôn và có yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật thì:

  • Nếu có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật thì Tòa án quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật;
  • Nếu một hoặc cả hai bên yêu cầu ly hôn hoặc yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án bác yêu cầu của họ và quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật.

Hồ sơ yêu cầu hủy kết hôn trái luật

Để tiến hành thủ tục yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật, người có yêu cầu phải chuẩn bị hồ sơ:

  • Đơn yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật theo khoản 2 Điều 362 bộ luật tố tụng dân sự 2015;
  • Bản chính Giấy chứng nhận kết hôn; chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của hai vợ chồng;
  • Chứng cứ, tài liệu về việc vi phạm điều kiện kết hôn để tiến hành hủy kết hôn trái pháp luật.

Nội dung đơn yêu cầu gồm:

  • Ngày, tháng, năm làm đơn;
  • Tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc dân sự;
  • Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu, người có liên quan;
  • Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó;
  • Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ, nếu là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn.

Thủ tục yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật

Sau khi chuẩn bị đủ hồ sơ yêu cầu ở trên, người có yêu cầu sẽ tiến hành nộp hồ sơ. Khi nhận được hồ sơ thì Tòa án có thẩm quyền tiến hành thụ lý giải quyết theo Điều 3 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP:

  • Hai bên đăng ký kết hôn đúng cơ quan có thẩm quyền thì Tòa án tiến hành hủy kết hôn trái pháp luật.
  • Nếu đăng ký không đúng cơ quan có thẩm quyền thì Tòa án sẽ xử lý theo khoản 3,4 Điều 3 Thông tư liên tịch này: tuyên bố không công nhận quan hệ hôn nhân giữa họ.

Trên đây là nội dung bài viết hướng dẫn thủ tục hủy kết hôn trái pháp luật. Nếu có thắc mắc về nội dung trên hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý về các thủ tục hôn nhân gia đình, quý bạn đọc vui lòng liên hệ chúng tôi thông qua hotline bên dưới để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn.

Bài viết nói về: Thủ tục yêu cầu hủy kết hôn trái luật, công nhận hôn nhân gia đình
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Đỗ Thanh Lâm



May 04, 2020 at 01:00PM

0 comments

Đăng nhận xét

My maps