Mẫu đơn xin ly hôn Thuận tình – Đơn phương mới nhất năm 2020

No Comments

Mẫu đơn xin ly hôn mới nhất năm 2020 được Công ty Luật Long Phan PMT cập nhật thường xuyên theo quy định của pháp luật hiện hành. Việc làm mẫu đơn đúng quy định để thực hiện việc yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn là vấn đề rất quan trọng bởi vì không phải ai cũng có khả năng soạn thảo đơn đầy đủ nội dung và quy định của pháp luật.

Viet don ly hon don phuong dung chuan
Mẫu đơn khỏi kiện yêu cầu giải quyết ly hôn theo quy định của pháp luật

Thủ tục ly hôn theo quy định của pháp luật

Ly hôn là thủ tục chúng ta yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn theo quy định của pháp luật. Thủ tục ly hôn tại Việt Nam được chia thành hai hình thức đó là:

  • Ly hôn theo yêu cầu của một bên hay còn gọi là Đơn phương ly hôn;
  • Thuận tình ly hôn theo thỏa thuận của vợ chồng.

Thủ tục đơn phương ly hôn

Thủ tục đơn phương ly hôn được thực hiện như sau:

Bước 1: Người có yêu cầu giải quyết ly hôn chuẩn bị các hồ sơ cho yêu cầu ly hôn bao gồm:

  • Đơn khởi kiện về việc yêu cầu tòa án giải quyết việc ly hôn;
  • Giấy tờ tùy thân của vợ, chồng: CMND, sổ hộ khẩu;
  • Giấy đăng ký kết hôn bản chính;
  • Giấy khai sinh của con;
  • Giấy tờ chứng minh tài sản chung, nợ chung;
  • Các giấy tờ khác có liên quan đến việc giải quyết ly hôn.

Bước 2: Nộp đơn tại tòa án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết ly hôn.

Theo quy định tại Điều 28, Điều 35, Điều 39 BLTTDS 2015 thì ly hôn theo yêu cầu của một bên là tranh chấp về hôn nhân gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân cấp Huyện nơi mà người bị yêu cầu ly hôn cư trú.

Bước 3: Tòa án thụ lý và giải quyết việc ly hôn

Bước 4: Tòa án xét xử vụ án ly hôn và ban hành bản án giải quyết yêu cầu ly hôn theo quy định của pháp luật.

Thủ tục thuận tình ly hôn

Thủ tục thực hiện yêu cầu tòa án công nhận thuận tình ly hôn như sau:

Thuan tinh ly hon do hai vo chong thoa thuan
Đơn thuận tình ly hôn phải đáp ứng các nội dung theo quy định

Bước 1:Vợ chồng có yêu cầu tòa án công nhận thuận tình ly hôn chuẩn bị hồ sơ giấy tờ.

Hồ sơ giấy tờ để tòa án công nhận ly hôn thuận tình cũng giống như thủ tục đơn phương ly hôn, chỉ khác thay vì đơn khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn thì vợ chồng nộp cho tòa án Đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự về nội dung công nhận thuận tình ly hôn.

Bước 2: Nộp đơn thuận tình ly hôn cùng với các hồ sơ kèm theo cho tòa án

Đối với thủ tục thuận tình ly hôn, tòa án nhân dân cấp huyện nơi vợ hoặc chồng cư trú là cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trường hợp này, các bên có thể lựa chọn một trong hai tòa án thuận tiện nhất để thực hiện thủ tục thuận tình ly hôn.

Bước 3: Tòa án thụ lý và tiến hành giải quyết công nhận thuận tình ly hôn

Mẫu đơn yêu cầu giải quyết ly hôn

Đối với từng hình thức ly hôn khác nhau mà pháp luật quy định về nội dung hình thức khác nhau để các cá nhân căn cứ vào đó lựa chọn và thực hiện sao cho đúng quy định của pháp luật.

Mẫu đơn ly hôn theo yêu cầu của một bên

Đối với mẫu đơn ly hôn theo yêu cầu của một bên thực chất nó cũng là đơn khởi kiện. Nội dung và hình thức của đơn khởi kiện phải tuân thủ theo quy định tại Điều 189 BLTTDS 2015:

  • Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
  • Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
  • Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện
  • Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ
  • Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện
  • Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên
  • Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
  • Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);
  • Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.

Mẫu đơn khởi kiện được Hội đồng thẩm phán nhân dân tối cao hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP là mẫu số 23 Đơn khởi kiện. Khi làm đơn đơn phương ly hôn, người có yêu cầu căn cứ trên mẫu đơn đã được hướng dẫn để thực hiện đúng với quy định.

Mẫu đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn

Đối với đơn yêu cầu tòa án công nhận thuận tình ly hôn là một việc dân sự dựa quy định tại Điều 29 BLTTDS 2015. Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao cũng đã ban hành mẫu đơn số 01 tại Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP để hướng dẫn về việc soạn thảo đơn yêu cầu tòa án giải quyết thuận tình ly hôn.

Hướng dẫn làm đơn yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn

Hướng dẫn làm đơn ly hôn theo yêu cầu của một bên

Đơn yêu cầu ly hôn đơn phương phải tuân thủ các quy định tại Điều 189 BLTTDS 2015. Theo hướng dẫn và mẫu đơn số 23 tại Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP thì đơn ly hôn theo yêu cầu của một bên sẽ gồm 14 nội dung quan trọng mà khi làm đơn chúng ta cần phải để ý:

nop don ly hon tai toa co tham quyen
Cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc dẫn đến ly hôn
  1. Địa điểm, ngày tháng năm làm đơn: khi làm đơn, người làm đơn cần ghi rõ ràng ngày tháng năm làm đơn khởi kiện và địa điểm tại tòa án có thẩm quyền giải quyết ví dụ ly hôn tại tòa án nhân dân quận 1 TPHCM thì chúng ta trình bày là Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27/04/2020
  2. Phần kính gửi tòa án thì chúng ta ghi tên tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết vụ án ly hôn theo quy định của pháp luật và nội dung chúng tôi đã hướng dẫn phía trên.
  3. Người yêu cầu ly hôn ghi rõ họ và tên
  4. Người yêu cầu ly hôn ghi rõ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân, năm sinh…
  5. Họ và tên của người bị yêu cầu ly hôn
  6. Người yêu cầu ly hôn ghi rõ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân, năm sinh… của người bị yêu cầu ly hôn.
  7. Người yêu cầu ly hôn liệt kê họ tên những người có quyền và lợi ích được bảo vệ
  8. Địa chỉ, thông tin của người có quyền lợi, lợi ích được bảo vệ
  9. Người yêu cầu ly hôn liệt kê họ tên những người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
  10. Địa chỉ, thông tin của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
  11. Người yêu cầu ly hôn trình bày nội dung liên quan đến những vấn đề phát sinh trong cuộc sống vợ chồng, những tranh chấp phát sinh, nguyên nhân dẫn đến việc ly hôn và những yêu cầu tòa án giải quyết như: yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn, yêu cầu tòa án giải quyết về vấn đề con chung, phân chia tài sản chung của vợ chồng, nợ chung và những vấn đề khác liên quan đến quan hệ vợ chồng.
  12. Trình bày những người làm chứng: họ tên, địa chỉ…
  13. Những tài liệu chứng cứ kèm theo mà chúng tôi đã hướng dẫn phía trên
  14. Người yêu cầu ly hôn ký tên và ghi rõ họ tên.

Trên đây là những hướng dẫn về việc soạn đơn ly hôn theo yêu cầu của một bên. Dựa trên những hướng dẫn đó, chúng ta căn cứ vào đó để soạn thảo đơn khởi kiện theo đúng quy định của pháp luật.

Hướng dẫn soạn đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn

Khi tiến hành thực hiện các thủ tục tố tụng yêu cầu tòa giải quyết thì vợ và chồng phải nạp đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn cho Tòa án. Đơn này là biểu mẫu tố tụng được quy định tại mẫu số 01 của Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐTP.

Theo mẫu  số 01 của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao ban hành có 12 phần cụ thể như sau:

  1. Ghi loại việc dân sự mà người yêu cầu yêu cầu Tòa án giải Quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự: Trường hợp này là Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn
  2. Ghi tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc Thuận tình ly hôn; nếu là Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì ghi rõ tên Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Tòa án nhân dân huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội);
  3. Ghi rõ họ tên chồng và vợ trong đơn yêu cầu tòa án công nhận thuận tình ly hôn. Vì đây là yêu cầu của 2 người nên sẽ cần đánh số thứ tự: 1 Họ và tên chồng:..; 2 Họ và tên vợ:…
  4. Ghi đầy đủ địa chỉ nơi cư trú của vợ và chồng tại thời điểm làm đơn yêu cầu (ví dụ: thôn Bình An, xã Phú Cường, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội);
  5. Ghi tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc Thuận tình ly hôn như phần số 2 và trình bày nội dung về cuộc hôn nhân như: Thời điểm kết hôn, quá trình chung sống diễn ra như thế nào, có mâu thuẫn gì, các bên đã thống nhất thỏa thuận và yêu cầu tòa giải quyết thuận tình ly hôn…
  6. Ghi cụ thể những nội dung mà người yêu cầu yêu cầu Tòa án giải quyết: Về con chung; Tài sản chung của vợ chồng; Nhà ở chung; Nợ chung của vợ chồng
  7. Ghi rõ lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó: Phần này chúng ta thêm lý do, những vấn đề mà hai vợ chồng đã thỏa thuận liên quan đến các vấn đề con chung, tài sản chung… mà đã trình bày, yêu cầu tòa giải quyết ở phía trên
  8. Ghi rõ họ tên, địa chỉ nơi cư trú, nơi làm việc (nếu có) của những người mà người yêu cầu nhận thấy có liên quan đến việc giải quyết việc thuận tình ly hôn đó đó.
  9. Ghi những thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình.
  10. Ghi rõ tên các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn yêu cầu, là bản sao hay bản chính, theo thứ tự 1, 2, 3,…bao gồm: Bản chính giấy đăng ký kết hôn, chứng minh nhân dân của hai vợ chồng, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh của con, các giấy tờ chứng minh tài sản chung, nợ chung…
  11. Ghi địa điểm, thời gian làm đơn yêu cầu (ví dụ: Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2018; Hưng Yên, ngày 18 tháng 02 năm 2019).
  12. Hai vợ chồng ký và ghi rõ họ tên ở phần Người yêu cầu, nếu không ký có thể Điểm chỉ.

Dựa trên những hướng dẫn nêu trên chúng ta hoàn thành đơn Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và nộp cho tòa án để xem xét giải quyết theo đúng trình tự thủ tục của pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Long Phan PMT về cách thực hiện đơn yêu cầu ly hôn theo quy định của pháp luật. Mọi thắc mắc xin liên hệ hotline để được tư vấn cự thể và chi tiết. Cảm ơn các bạn đã quan tâm, theo dõi bài viết./. Mô tả: Mẫu đơn yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn mới nhất năm 2020. Trình tự thủ tục giải quyết theo quy định của pháp luật và hướng dẫn cách viết đơn đúng chuẩn.

Bài viết nói về: Mẫu đơn xin ly hôn Thuận tình – Đơn phương mới nhất năm 2020
Nguồn trích dẫn từ:Luật Long Phan PMT
Tác giả:Luật Long Phan PMT



May 08, 2020 at 10:00AM

0 nhận xét

Đăng nhận xét

My maps