Tư vấn pháp luật về tranh chấp ranh giới đất đai

No Comments

Tranh chấp ranh giới đất đai là một loại tranh chấp đất đai phổ biến hiện nay. Đất đai luôn có giá trị lớn, giữ vai trò quan trọng đối với mỗi người, góp phần quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia. Cùng với sự phát triển của sản xuất và đời sống, nhu cầu sử dụng đất của con người ngày càng phong phú và đa dạng. Chính vì thế, tranh chấp đất đai xuất hiện và ngày càng phức tạp.

Hình ảnh về Tư vấn giải quyết tranh chấp ranh giới đất đai của Công ty Luật Long Phan PMT.
Tư vấn giải quyết tranh chấp về ranh giới đất đai

Pháp luật quy định về ranh giới đất đai như thế nào?

Theo quy định tại Khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013 thì tranh chấp đất đai được hiểu là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.

Ranh giới sử dụng đất đai Được xác định bằng mốc giới cụ thể do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất hoặc cho thuê đất thực hiện khi giao đất, cho thuê đất trên thực địa; được ghi trong quyết định giao đất, cho thuê đất và được mô tả trong hồ sơ địa chính.

Quy trình giải quyết tranh chấp ranh giới đất đai

Trường hợp một, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai khi có Sổ đỏ, giấy tờ

Khi một trong các bên có giấy chứng nhận hoặc có một trong các giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 thì do Tòa án nhân dân nơi có đất xảy ra tranh chấp giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự dưới đây.

Bước 1: Tiến hành hòa giải

Theo Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 hướng dẫn một số quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 192 Bộ luật Tố tụng Dân sự số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án, với tranh chấp ranh giới đất đai (là tranh chấp đất đai) thì thủ tục hòa giải tiền tố tụng tại Ủy ban nhân dân (viết tắ là UBND) cấp xã nơi đất tranh chấp là bắt buộc để có thể khởi kiện. Có nghĩa là, nếu không tiến hành hòa giải, thì các bên không có quyền khởi kiện.

Bước 2: Khởi kiện

Để yêu cầu Tòa án giải quyết thì chủ thể có cơ sở cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm gửi bộ hồ sơ khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có tranh chấp, gồm:

  • Đơn khởi kiện theo mẫu;
  • Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013;
  • Biên bản hòa giải có chứng nhận của UBND cấp xã và có chữ ký của các bên tranh chấp;
  • Giấy tờ của người khởi kiện: Sổ hộ khẩu; chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước nhân dân;
  • Các giấy tờ, tài liệu khác chứng minh yêu cầu khởi kiện.

Người nộp đơn có thể nộp đơn thông qua 03 hình thức: Nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính hoặc gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Hình ảnh Hướng dẫn về Quy trình giải quyết tranh chấp về ranh giới đất đai của Công ty Luật Long Phan PMT.
Hướng dẫn về Quy trình giải quyết tranh chấp về ranh giới đất đai

Sau khi nhận đơn, Tòa án sẽ xem xét đơn. Nếu không thuộc thẩm quyền thì Tòa án ra quyết định trả đơn hoặc chuyển đơn khởi kiện. Nếu hồ sơ chưa đủ thì Tòa án yêu cầu bổ sung. Nếu hồ sơ đủ thì Tòa thông báo nộp tạm ứng án phí. Người khởi kiện nộp tạm ứng án phí tại cơ quan thuế theo giấy báo tạm ứng án phí và mang biên lai nộp lại cho Tòa. Sau đó tòa sẽ thụ lý vụ án. Thời hạn chuẩn bị xét xử là 04 tháng kể từ ngày thụ lý, vụ việc phức tạp được gia hạn không quá 02 tháng (Tổng 06 tháng – Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự). Trong giai đoạn này Tòa sẽ tổ chức hòa giải tại Tòa, nếu các bên không hòa giải thành thì sẽ Tòa sẽ đưa vụ án tranh chấp ra xét xử sơ thẩm (nếu không thuộc trường hợp tạm đình chỉ hoặc đình chỉ). Sau khi có bản án sơ thẩm các bên tranh chấp có quyền kháng cáo nếu không đồng ý với bản án và phải có căn cứ.

Trường hợp hai, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai khi không có Sổ đỏ 

Cách 1: Yêu cầu UBND cấp có thẩm quyền giải quyết

Đối với tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết. Trong trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài do Chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết

Chủ thể có căn cứ cho rằng quyền, lợi ích của mình bị xâm phạm cần gửi đến UBND cấp có thẩm quyền 01 bộ hồ sơ với giấy tờ như sau:

  • Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai;
  • Biên bản hòa giải tại UBDN cấp xã;
  • Trích lục bản đồ, hồ sơ địa chính qua các thời kỳ liên quan đến diện tích đất tranh chấp và các tài liệu làm chứng cứ, chứng minh trong quá trình giải quyết tranh chấp;
  • Báo cáo đề xuất và dự thảo quyết định giải quyết tranh chấp hoặc dự thảo quyết định công nhận hòa giải thành.

Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì không quá 03 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định. Sau khi nhận đơn, chủ tịch UBND cấp có thẩm quyền giao trách nhiệm cơ quan tham mưu giải quyết. Cơ quan tham mưu có nhiệm vụ:

  • Thẩm tra, xác minh vụ việc, tổ chức hòa giải giữa các bên tranh chấp, tổ chức cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai (nếu cần thiết);
  • Hoàn chỉnh hồ sơ trình Chủ tịch UBND ban hành quyết định giải quyết tranh chấp.

Sau khi xem xét, chủ tịch UBND ban hành quyết định giải quyết tranh chấp hoặc quyết định công nhận hòa giải thành, gửi cho các bên tranh chấp.

  • Nếu đồng ý kết quả giải quyết tranh chấp thì kết thúc tranh chấp;
  • Không đồng ý kết quả giải quyết thì các bên có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp trên/Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện.

Thời hạn giải quyết đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau là không quá 45 ngày; trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là không quá 60 ngày. Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn thì thời gian thực hiện được tăng thêm 10 ngày.

Cách 2. Khởi kiện tại Tòa án nhân dân (như đã phân tích trên). Để khởi kiện, hòa giải tại UBND cấp xã là bắt buộc.

Chế tài xử lý về hành vi vi phạm lấn chiếm đất

Hình ảnh về Chế tài xử lý về hành vi lấn chiếm đất đai của Công ty Luật Long Phan PMT.
Chế tài xử lý về hành vi lấn chiếm đất đai

Theo Điều 10 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thì hành vi lấn, chiếm đất có thể bị xử lý như sau:

  • Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất;
  • Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở. Tuy nhiên, có một số ngoại lệ mà hành vi lấn, chiếm đất không được xử lý theo quy định này, cụ thể các hành vi hành lang bảo vệ an toàn công trình thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt; trong lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; trong lĩnh vực về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão và trong các lĩnh vực chuyên ngành khác;
  • Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất ở.

Ngoài các hình phạt tiền trên, cơ quan có thẩm quyền có thể đồng thời áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả khác như:

  • Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm;
  • Buộc trả lại đất đã lấn, chiếm đối.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về tranh chấp ranh giới đất đai. Nếu có thắc mắc về vấn đề trên hoặc Quý khách hàng muốn được tư vấn pháp luật trực tiếp hoặc yêu cầu hỗ trợ, vui lòng liên hệ Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline bên dưới.

Các bạn có thể quan tâm:

Bài viết nói về: Tư vấn pháp luật về tranh chấp ranh giới đất đai - Nguồn trích dẫn từ: Luật Long Phan PMT



0 comments

Đăng nhận xét

My maps