Giải quyết tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng

No Comments

Xây dựng là một ngành kỹ thuật đóng vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế của một quốc gia. Bởi, nó tạo lập nên hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật là tiền đề cho mọi lĩnh vực khác phát triển. Hoạt động xây dựng rất đa dạng, mà thi công xây dựng là một giai đoạn thiết yếu trong toàn bộ quá trình ấy. Do đó, khi tiến hành thành lập dự án liên quan đến xây dựng các bên phải lập hợp đồng thi công xây dựng theo quy định. Tuy nhiên, vì nhiều lý do chủ quan cũng như khách quan mà tranh chấp về Hợp đồng xây dựng thường xuyên phát sinh, làm gián đoạn toàn bộ một công trình. Vì vậy, dưới đây chúng tôi sẽ hướng dẫn, phân tích các quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng.

Hình ảnh giải quyết tranh chấp Hợp đồng thi công xây dựng của Công ty Luật Long Phan PMT
Làm sao để giải quyết các tranh chấp đối với hợp đồng thi công xây dựng ?

Hợp đồng thi công xây dựng là gì? Hình thức và nội dung của Hợp đồng?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 140, khoản 1 Điều 138 Luật Xây dựng 2014 được hướng dẫn bởi khoản 1 Điều 3 Nghị định 37/2015/NĐ-CP thì Hợp đồng thi công xây dựng là một dạng của Hợp đồng xây dựng, được thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Đương nhiên sự thỏa thuận này dựa trên nguyên tắc của giao dịch dân sự, các bên tự nguyện, thiện chí và tự do trong giao kết hợp đồng.

Tuy nhiên vì đặc thù một công trình xây dựng có khả năng ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác, quyền lợi công cộng mà Nhà nước bảo hộ vì vậy sự tự do thỏa thuận ở đây phải phù hợp với quy định của pháp luật.

Về hình thức của hợp đồng thi công xây dựng phải được lập bằng văn bản. Mặc dù pháp luật không quy định hợp đồng này bắt buộc phải công chứng haychứng thực, tuy nhiên theo Điều 141 Luật Xây dựng 2014, được hướng dẫn bởi Nghị định 37/2015/NĐ-CP thì nội dung của Hợp đồng thi xây dựng phải bao gồm:

  • Căn cứ pháp lý áp dụng.
  • Ngôn ngữ áp dụng;
  • Nội dung và khối lượng công việc;
  • Chất lượng, yêu cầu kỹ thuật của công việc, nghiệm thu và bàn giao;
  • Thời gian và tiến độ thực hiện hợp đồng;
  • Giá hợp đồng, tạm ứng, đồng tiền sử dụng trong thanh toán và thanh toán hợp đồng xây dựng;
  • Bảo đảm thực hiện hợp đồng, bảo lãnh tạm ứng hợp đồng;
  • Điều chỉnh hợp đồng xây dựng;
  • Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng xây dựng;
  • Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, thưởng và phạt vi phạm hợp đồng;
  • Tạm ngừng và chấm dứt hợp đồng xây dựng;
  • Giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng;
  • Rủi ro và bất khả kháng;
  • Quyết toán và thanh lý hợp đồng xây dựng;
  • Các nội dung khác như bảo hiểm và bảo lãnh theo hợp đồng xây dựng, hợp đồng thầu phụ, an toàn lao động, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ.

Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng thi công xây dựng

Hình ảnh quyền và nghĩa vụ của các bên trong Hợp đồng thi công xây dựng của Công ty Luật Long Phan PMT
Các bên trong hợp đồng xây dựng có quyền và nghĩa vụ gì?

Theo quy định tại mục 4 Chương 2 Nghị định 37/2015/NĐ-CP, về nguyên tắc quyền và nghĩa vụ của bên giao thầu và bên nhận thầu được thỏa thuận trong Hợp đồng. Tuy nhiên, pháp luật vẫn quy định quyền và nghĩa vụ của các bên nhằm đảm bảo cân bằng trách nhiệm thì thi công xây dựng công trình như sau:

  • Quyền và nghĩa vụ của bên giao thầu:

Thứ nhất, được tạm dừng thi công xây dựng công trình và yêu cầu khắc phục hậu quả khi bên nhận thầu vi phạm các quy định về chất lượng công trình, an toàn lao động, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ.

Thứ hai, kiểm tra chất lượng thực hiện công việc, cơ sở gia công chế tạo của bên nhận thầu nhưng không được làm cản trở hoạt động bình thường của bên nhận thầu.

Thứ ba, phải xin giấy phép xây dựng.

Thứ tư, bàn giao toàn bộ hoặc từng phần mặt bằng xây dựng cho bên nhận thầu quản lý, sử dụng phù hợp với tiến độ và các thỏa thuận của hợp đồng.

Thứ năm, cử và thông báo bằng văn bản cho bên nhận thầu về nhân lực chính tham gia quản lý thực hiện hợp đồng.

Thứ sáu,cung cấp kịp thời hồ sơ thiết kế và các tài liệu, phương tiện, máy và thiết bị có liên quan, vật tư theo thỏa thuận trong hợp đồng (nếu có) và quy định của pháp luật có liên quan.

Thứ bảy, thanh toán cho bên nhận thầu theo đúng tiến độ thanh toán trong hợp đồng. Thứ tám, tổ chức giám sát thi công xây dựng công trình.

Thứ chín, kiểm tra biện pháp bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ của bên nhận thầu. Và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

  • Quyền và nghĩa vụ của bên nhận thầu:

Thứ nhất, được quyền đề xuất với bên giao thầu về khối lượng phát sinh ngoài hợp đồng; từ chối thực hiện những công việc ngoài phạm vi của hợp đồng khi chưa được hai bên thống nhất và những yêu cầu trái pháp luật của bên giao thầu.

Thứ hai, được thay đổi các biện pháp thi công sau khi được bên giao thầu chấp thuận nhằm đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả công trình trên cơ sở giá hợp đồng đã ký kết.

Thứ ba, được quyền yêu cầu bên giao thầu thanh toán các khoản lãi vay do chậm thanh toán theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng; được quyền đòi bồi thường thiệt hại khi bên giao thầu chậm bàn giao mặt bằng và các thiệt hại khác do lỗi của bên giao thầu gây ra.

Thứ tư, cung cấp nhân lực, vật liệu, máy móc, thiết bị thi công và các điều kiện vật chất liên quan khác đủ số lượng và chủng loại theo hợp đồng; thiết kế bản vẽ thi công (trường hợp bên nhận thầu thực hiện thiết kế bản vẽ thi công) để thực hiện các công việc theo nội dung hợp đồng đã ký kết.

Thứ năm, tiếp nhận và quản lý mặt bằng xây dựng, bảo quản tim, cốt, mốc giới công trình.

Thứ sáu, thi công xây dựng theo đúng thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ.

Thứ bảy, ghi nhật ký thi công xây dựng công trình.

Thứ tám, thí nghiệm vật liệu, kiểm định thiết bị, sản phẩm xây dựng theo đúng quy định của Nhà nước về quản lý chất lượng công trình xây dựng, chỉ dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn và quy chuẩn xây dựng.

Thứ chín, quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Những tranh chấp thường xuyên pháp sinh liên quan đến hoạt động thi công xây dựng

Các tranh tranh chấp liên quan đến Hợp đồng thi công xây dựng phổ biến trên thực tiễn như:

  • Tranh chấp do vi phạm tiến độ thanh toán theo hợp đồng.
  • Tranh chấp do không đảm bảo tiến độ thi công, chất lượng công trình.
  • Tranh chấp về phạt vi phạm trong hợp đồng thi công xây dựng.
  • Tranh chấp do một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
  • Tranh chấp về bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thi công xây dựng

Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng

Hình ảnh về trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng của Công ty Luật Long Phan PMT
Pháp luật quy định trình tự, tục giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng như thế nào ?

Theo quy định tại Điều 146 Luật Xây dựng 2014, được hướng dẫn bởi Điều 45 Nghị định 37/2015/NĐ-CP thì quy đình giải quyết tranh chấp dựa trên hai nguyên tắc căn bản:

Thứ nhất, tôn trọng các thỏa thuận hợp đồng và các cam kết trong quá trình thực hiện hợp đồng, bảo đảm bình đẳng và hợp tác;

Thứ hai, các bên hợp đồng có trách nhiệm tự thương lượng giải quyết tranh chấp. Theo đó, nếu các bên không tự thương lượng được thì có ba hình thức giải quyết, bao gồm: thông qua tổ chức hào giải; trọng tài thương mại, Tòa án nhân dân.

Trình tự, thủ tục mỗi hình thức về cơ bản được thực hiện như sau:

  • Đối với giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải được thực hiện theo khoản 2 Điều 46 Nghị định 37/2015/NĐ-CP. Các bên phải thỏa thuận giải quyết thông qua hòa giải được thực hiện bỏi cơ quan, tổ chức hoạt một số chuyên gia. Chi phí cho ban xử lý tranh chấp được tính trong giá hợp đồng xây dựng và do mỗi bên hợp đồng chịu một nửa, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
  • Đối với giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại sẽ được điều chỉnh bởi Luật Trọng tài thương mại 2010.

Bước thứ nhất, nộp đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo với các nội dung như: ngày, tháng, năm; tên, địa chỉ; tóm tắt nội dung tranh chấp,…

Bước thứ hai, bị đơn nộp đơn bảo vệ trong thời hạn 10 ngày, kể từ khi nhận đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo.

Bước thứ ba, thành lập hội đồng trọng tài bao gồm một hoặc nhiều trọng tài viên, nếu các bên không thỏa thuận thì gồm ba trọng tài viên.

Bước thứ tư, tiến hành hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về phương hướng giải quyết tranh chấp.

Bước thứ năm, tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp. Bước sáu, hội đồng trọng tài ban hành phán quyết theo nguyên tắc đa số.

  • Đối với giải quyết bằng Tòa án nhân dân thì sẽ được điều chỉnh bởi Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Thứ nhất, đương sự nộp Đơn khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết tranh chấp về Hợp đồng thi công xây dựng. Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo thì người khởi kiện phải làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí.

Thứ hai, Tòa án sẽ tiến hành xem xét Đơn khởi kiện, nếu đáp ứng đủ các điều kiện thì sẽ được Tòa án thụ lý.

Thứ ba, vụ án bước vào giai đoạn chuẩn bị xét xử và hòa giải. Tại giai đoạn này Tòa án sẽ mở phiên họp kiểm tra, giao nộp, công khai chứng cứ và hòa giải. Mục đích là để các đương sự tự thỏa thuận với nhau về hướng giải quyết vụ án và cung chấp chứng cứ cho các bên đương sự. Cuối cùng, Tòa án nhân dân sẽ ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm theo thủ tục chung.

Hợp đồng thi công xây dựng đóng vai trò là bản thỏa thuận giữa bên giao thầu và bên nhận thầu, đây là một văn bản quan trọng trong lĩnh vực xây dựng. Bởi nó ghi nhận các cam kết của các bên liên quan đến thi công công trình nhằm hoàn thành dự án đúng tiến độ. Khi phát sinh tranh chấp các bên có thể lựa chọn các hình thức tranh chấp sao cho đảm bảo được quyền lợi và giải quyết một cách nhanh nhất.

Trên đây là nội dung tư vấn về Giải quyết tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng”. Trường hợp Quý khách hàng có bất cứ thắc mắc về nội dung bài viết hay cần hỗ trợ pháp luật, vui lòng liên hệ Công ty Luật Long Phan PMT để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

Bài viết nói về: Giải quyết tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng - Nguồn trích dẫn từ: Luật Long Phan PMT



0 comments

Đăng nhận xét

My maps