Dịch vụ tư vấn, soạn thảo, đàm phán giao kết hợp đồng thương mại

No Comments

Soạn thảo, đàm phán giao kết hợp đồng thương mại là bước quan trọng quyết định việc thành công của việc giao kết hợp đồng thương mại. Chính vì nó là cơ sở để phát sinh quyền và nghĩa vụ của hai bên trong quá trình thực hiện hợp đồng nên nếu không hiểu rõ cách thức xác lập thì sẽ tiềm ẩn những rủi ro khó giải quyết, ảnh hưởng đến kết quả mong muốn của một trong các bên. Vậy khi soạn thảo, đàm phán giao kết hợp đồng thương mại thì cần lưu ý những điểm gì?

Hình ảnh Tư vấn các vấn đề pháp lý về hợp đồng thương mại của Công ty Luật Long Phan PMT.
Tư vấn các vấn đề pháp lý về Hợp đồng thương mại.

Hợp đồng thương mại là gì?

Hợp đồng thương mại là một văn bản pháp lý để các bên tham gia quan hệ pháp luật thương mại thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Nó cũng là cơ sở để giải quyết tranh chấp phát sinh. Tuy nhiên, không phải hợp đồng thương mại nào cũng đầy đủ các điều khoản chặt chẽ. Một bản hợp đồng thường được chia thành các điều khoản cụ thể. Đối với một hợp đồng thương mại, có các điều khoản cơ bản cần lưu ý như sau:

  • Điều khoản thông tin các bên

Đây thường là điều khoản đầu tiên và luôn phải có trong một hợp đồng thương mại. Cá nhân, tổ chức đều có quyền tham gia ký kết hợp đồng khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Vì vậy, ta cần phải xác định cụ thể cá nhân, tổ chức nào tham gia vào hợp đồng thương mại này.

Để xác định được tư cách chủ thể của các bên thì cần phải có các thông tin cơ bản sau:

Thứ nhất, đối với cá nhân: Tên, số chứng minh thư và địa chỉ thường trú. Nội dung này ghi chính xác theo chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc hộ khẩu và cũng nên kiểm tra trước khi ký kết.

Thứ hai, đối với tổ chức, doanh nghiệp: Tên, Trụ sở, Giấy phép thành lập và người đại diện theo pháp luật. Các nội dung trên phải ghi chính xác theo Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép đầu tư của doanh nghiệp.

  • Điều khoản về đối tượng của hợp đồng

Hợp đồng thương mại là hợp đồng nói chung của rất nhiều hoạt động thương mại. Trên thực tế, đối với mỗi hoạt động thì tên hợp đồng được ghi cụ thể hơn. Ví dụ như hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng gia công hàng hóa…

Do vậy, đối với mỗi loại hợp đồng thì đối tượng của nó là khác nhau.

Đối với hợp đồng dịch vụ hoặc gia công hàng hóa… đối tượng của nó là các công việc cụ thể. Những công việc này phải được xác định rõ ràng: Cách thức thực hiện, trình độ chuyên môn, người trực tiếp thực hiện, kết quả sau khi thực hiện.

Đối với hợp đồng mua bán hàng hóa: Đối tượng của hợp đồng là hàng hóa được mua bán. Khi soạn thảo, các bên phải xác định rõ tên hàng hóa, loại hàng hóa, chất lượng hàng hóa, số lượng hàng hóa… tất cả các yếu tố trên phải được xác định rõ ràng, cụ thể trong hợp đồng.

  • Điều khoản về giá cả

Các bên khi thoả thuận về giá cả cần đề cập các nội dung sau: Đơn giá, tổng giá trị và đồng tiền thanh toán. Về đơn giá có thể xác định giá cố định hoặc đưa ra cách xác định giá (giá di động). Thông thường quy định giá sẽ được điều chỉnh theo giá thị trường hoặc theo sự thay đổi của các yếu tố tác động đến giá sản phẩm.

  • Điều khoản thanh toán

Trong điều khoản này, các bên cần có thỏa thuận về phương thức thanh toán, đồng tiền thanh toán và thời hạn thanh toán.

Đối với phương thức thanh toán: Các bên có thể lựa chọn một trong các phương thức thanh toán phổ biến hiện nay: Thanh toán trực tiếp; Thanh toán thông qua chuyển khoản và thanh toán nhờ thu và tín dụng chứng từ L/C (thường được sử dụng đối với hợp đồng thương mại quốc tế).

Đối với đồng tiền thanh toán: Các bên thỏa thuận cụ thể đồng tiền thanh toán là Việt Nam đồng hoặc USD hay một đồng tiền khác tùy theo ý trí các bên. Tuy nhiên chỉ nên để một loại đồng tiền thanh toán duy nhất.

Đối với thời hạn thanh toán: Mặc dù pháp luật quy đinh các bên không thỏa thuận thời hạn thanh toán thì vẫn có phương thức xác định. Tuy nhiên, các bên vẫn nên thỏa thuận một thời hạn thanh toán cụ thể. Thời hạn thanh toán có thể là một lần hoặc nhiều lần theo tiến độ của hợp đồng.

  • Điều khoản về phạt vi phạm

Đây là điều khoản các bên tự thỏa thuận. Tuy nhiên nếu các bên không thỏa thuận điều khoản này thì khi xảy ra vi phạm, các bên sẽ không được phạt vi phạm hợp đồng. Do vậy, để đề phòng thì các bên nên quy thỏa thuận điều khoản này trong hợp đồng.

Hình ảnh về Hợp đồng thương mại và quy định chung về Hợp đồng thương mại của Công ty Luật Long Phan PMT.
Hợp đồng thương mại là gì?

Các bên thỏa thuận cụ thể mức phạt vi phạm, nhưng không được vượt quá 8% giá trị hợp đồng.

Các bên có thể thỏa thuận cụ thể chỉ một số trường hợp vi phạm mới bị phạt vi phạm hoặc tất cả các vi phạm đều bị áp dụng.

  • Điều khoản quyền và nghĩa vụ các bên

Pháp luật có quy định các quyền và nghĩa vụ cơ bản cho các bên. Thực tế, các bên có thể thỏa thuận thêm một số quyền và nghĩa vụ khác phù hợp với giao dịch của mình để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp.

  • Điều khoản giải quyết tranh chấp

Riêng các giao dịch thương mại thì ngoài Tòa án còn có một thiết chế khác có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đó là Trọng tài thương mại. Vì vậy, các bên có thể thỏa thuận lựa chọn một trong hai cơ quan trên để giải quyết tranh chấp phát sinh.

Lưu ý, một số trường hợp tranh chấp chỉ được giải quyết bởi Tòa án mà Trọng tài thương mại không có thẩm quyền giải quyết.

Thỏa thuận trọng tài thương mại có thể được lập trước hoặc sau khi có tranh chấp phát sinh.

Đối với các hợp đồng thương mại giữa thương nhân Việt Nam với thương nhân nước ngoài thì các bên cần lưu ý thêm về Luật áp dụng khi giải quyết tranh chấp. Trường hợp các bên không thỏa thuận Luật áp dụng thì Luật áp dụng sẽ được xác định theo quy định của pháp luật cụ thể.

  • Các điều khoản khác

Bên cạnh các điều khoản cơ bản ở trên, các bên được tự do thỏa thuận các điều khoản khác phù hợp với giao dịch và quy định cảu pháp luật để chi tiết hơn.

Các bên cũng lưu ý nên ký kết hợp đồng bằng hình thức văn bản ngoài các trường hợp bắt buộc để đảm bảo hơn cho quá trình thực hiện giao dịch thương mại.

Tầm quan trọng của việc soạn thảo, đàm phán khi giao kết hợp đồng thương mại

Hình ành về Tầm quan trọng của quá trình đàm phán, soạn thảo, ký kết Hợp đồng thương mại của Công ty Luật Long Phan PMT.
Tầm quan trọng của quá trình đàm phán, soạn thảo, ký kết Hợp đồng thương mại.

Nếu việc soạn thảo không được giải quyết tốt thì khi việc đàm phán khi giao kết hợp đồng thương mại sẽ phát sinh nhiều rủi ro tiềm ẩn, gây thất thoát cho doanh nghiệp, cụ thể như sau:

  • Hợp đồng có nguy cơ bị vô hiệu

Vô hiệu về mặt hình thức: Trong trường hợp nào mà pháp luật yêu cầu hợp đồng phải được thành lập thành văn bản, phải có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng kí hoặc xin phép thì phải tuân thủ theo các quy định đó. Theo pháp luật Việt Nam, khi có sự vi phạm về mặt hình thức của hợp đồng, một bên khởi kiện ra tòa, tòa sẽ không tuyên bố hợp đồng vô hiệu ngay mà để cho các bên một thời gian hợp lý để xác lập và chỉnh sửa lại mặt hình thức nếu như các bên có ý định tiếp tục thực hiện hợp đồng. Vì vậy, để hạn chế các rủi ro pháp lý này, doanh nghiệp nên lựa chọn loại hợp đồng bằng văn bản và tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của loại hợp đồng này. Ví dụ như hợp đồng đại diện thương nhân, bắt buộc phải xác lập dưới dạng văn bản.

Vô hiệu về mặt nội dung: Các trường hợp vô hiệu do nội dung không đúng quy định pháp luật:Nội dung hợp đồng vi phạm điều cấm của pháp luật hay trái đạo đức xã hội, đối tượng của hợp đồng là những hàng hoá mà pháp luật cấm, trái đạo đức xã hội. Năng lực hành vi dân sự của người ký kết hợp đồng, năng lực hành vi dân sự của pháp nhân và một trong các bên hoặc cả hai bên không tự nguyện tham gia ký kết hợp đồng.

  • Các điều khoản hợp đồng không chặt chẽ: việc soạn thảo các quy định về hợp đồng không chặt chẽ sẽ gây khó khăn cho quá trình thực hiện hợp đồng của  các bên ví dụ như:
  • Gây khó khăn cho việc giao hàng khi địa điểm giao hang không được thỏa thuận cụ thể
  • Không quy định rõ về thời hạn thanh toán làm cho các bên kéo dài thời hạn thanh toán, vốn không xoay vòng được gây thiệt hại cho các bên.
  • Quy định không rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các bên.
  • Không chặt chẽ trong quy định về đóng gói sản phẩm, cũng như phương thức vận chuyển hàng.
  • Không quy định rõ về phương thức thanh toán cũng như đồng tiền được dung để thanh toán
  • Thiếu thỏa thuận điều khoản về giải quyết tranh chấp: rõ ràng trong một hợp đồng rủi ro là việc khó tránh khỏi,nên thoải thuận các điều khoản về giải quyết tranh chấp là yếu tố tất yếu. Cần thỏa thuận pháp luật được áp dụng để giải quyết khi có tranh chấp xảy ra như: điều khoản phạt vi phạm hợp đồng, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, các quy định bồi thường thiệt hại…
  • Không am hiểu về thông lệ kinh doanh: khi có hợp đồng thương mại quốc tế các bên thường thỏa thuận với nhau để chọn một văn bản pháp luật để làm căn cứ ký kết hợp đồng. Một số doanh nghiệp trẻ do chưa có kinh nghiệm hoặc chưa được cố vấn kĩ càng,dẫn đến mâu thuẫn trong quá trình đàm phán,gây mất tự tin, mất sự chủ động, không tạo được niềm tin với đối tác.

Trên đây là phân tích của chúng tôi xoay quanh xoay quanh vấn đề: “Dịch vụ tư vấn, soạn thảo, đàm phán giao kết hợp đồng thương mại”. Mọi chi tiết thắc mắc cần giải đáp về các vấn đề pháp lý liên quan hoặc tư vấn pháp luật về hợp đồng , xin quý khách vui lòng liên hệ Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline để được hỗ trợ tư vấn tận tình. Xin cảm ơn!

Các bạn có thể quan tâm:

Bài viết nói về: Dịch vụ tư vấn, soạn thảo, đàm phán giao kết hợp đồng thương mại - Nguồn trích dẫn từ: Luật Long Phan PMT



0 comments

Đăng nhận xét

My maps