Giàn giáo là thiết bị chuyên dụng trong lĩnh vực xây dựng, có mặt ở đại đa số các công trình. Cùng với số lượng công trình ngày một tăng như hiện nay, nhu cầu đối với việc sử dụng giàn giáo của các nhà thầu là không thể thiếu. Trong quá trình sử dụng giàn giáo vào mục đích phục vụ việc xây dựng công trình, có thể xảy ra các tình huống không ngờ như chất lượng giàn giáo xuống cấp, rơi giàn giáo,… nhà thầu không tiếp tục thanh toán tiền thuê. Những vấn đề này có thể dẫn đến tranh chấp liên quan đến hợp đồng này. Vậy làm sao để giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng thuê giàn giáo xây dựng?
Quy định của pháp luật về hợp đồng cho thuê giàn giáo xây dựng
Hợp đồng cho thuê thiết bị xây dựng, trong đó có hợp đồng cho thuê giàn giáo là một loại hợp đồng cho thuê tài sản. Vì vậy, ngoài việc áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự 2015 về hợp đồng cho thuê tài sản, hợp đồng cho thuê giàn giáo xây dựng còn áp dụng các quy định của luật chuyên ngành – như Luật Xây dựng 2014 – để xem xét các quy định về loại hợp đồng này. Bởi, giàn giáo xây dựng là một loại tài sản đặc biệt, có những đặc thù nhất định.
Theo quy định của pháp luật xây dựng, một hợp đồng xây dựng có những nội dung cơ bản sau:
- Căn cứ pháp lý áp dụng;
- Ngôn ngữ áp dụng;
- Nội dung và khối lượng công việc;
- Chất lượng, yêu cầu kỹ thuật của công việc, nghiệm thu và bàn giao;
- Thời gian và tiến độ thực hiện hợp đồng;
- Giá hợp đồng, tạm ứng, đồng tiền sử dụng trong thanh toán và thanh toán hợp đồng xây dựng;
- Bảo đảm thực hiện hợp đồng, bảo lãnh tạm ứng hợp đồng;
- Điều chỉnh hợp đồng xây dựng;
- Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng xây dựng;
- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, thưởng và phạt vi phạm hợp đồng;
- Tạm ngừng và chấm dứt hợp đồng xây dựng;
- Giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng;
- Rủi ro và bất khả kháng;
- Quyết toán và thanh lý hợp đồng xây dựng;
- Các nội dung khác.
Từ những nội dung cơ bản trên kết hợp cùng với các quy định của Bộ luật dân sự 2015, các bên trong hợp đồng có thể bàn bạc, thỏa thuận với nhau để có thể soạn ra một hợp đồng cho thuê giàn giáo phù hợp với nhu cầu, khả năng của mỗi bên.
Theo quy định của Luật Xây dựng 2014, trước khi các bên thực hiện ký kết hợp đồng xây dựng thì phải đảm bảo xác nguyên tắc ký kết hợp đồng xây dựng. Cụ thể các quy tắc này dược quy định tại khoản 2 Điều 138 như sau:
- Tự nguyện, bình đẳng, hợp tác, không trái pháp luật và đạo đức xã hội;
- Bảo đảm có đủ vốn để thanh toán theo thỏa thuận của hợp đồng;
- Đã hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu và kết thúc quá trình đàm phán hợp đồng;
- Trường hợp bên nhận thầu là liên danh nhà thầu thì phải có thoả thuận liên danh. Các thành viên trong liên danh phải ký tên, đóng dấu (nếu có) vào hợp đồng xây dựng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Tranh chấp liên quan đến hợp đồng cho thuê giàn giáo
Đối với tất cả các giao dịch luôn luôn tồn tại những rủi ro trong đó. Và trong hợp đồng thuê dàn giáo xây dựng cũng vậy. Các tranh chấp liên quan đến hợp đồng thuê giàn giáo xây dựng phổ biến hiện nay gồm:
- Tranh chấp liên quan đến bồi thường thiệt hại do giàn giáo rơi; do tài sản thuê bị giảm sút, mất cắp,…
- Tranh chấp liên quan đến bên thứ ba như nhà thầu, chủ đầu tư, người lao động, …
- Tranh chấp phát sinh do các sự kiện bất khả kháng gây ra: mưa, bão, thiên tai,..
- Tranh chấp liên quan đến việc thanh toán hợp đồng,…
Hướng dẫn giải quyết tranh chấp
Đối với những tranh chấp liên quan đến hợp đồng thuộc lĩnh vực dân sự thì thương lượng, hòa giải, giải quyết tranh chấp theo con đường thỏa thuận giữa các bên tranh chấp luôn là biện giải giải quyết được ưu tiên áp dụng. Bởi các chi phí để giải quyết tại Tòa án không hề rẻ. Chỉ khi các bên không thể tự giải quyết với nhau bằng con đường thương lượng thì khởi kiện ra Tòa án yêu cầu giải quyết tranh chấp mới là lựa chọn cuối cùng. Thủ tục giải quyết tranh chấp tại Tòa án sẽ áp dụng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 để giải quyết. Cụ thể là:
Đầu tiên, người nộp đơn cần phải xác định thẩm quyền để nộp đúng Tòa án có thẩm quyền. Theo Bộ luật tố tụng dân sự 2015, thẩm quyền của Tòa án bao gồm: thẩm quyền theo vụ việc, thẩm quyền theo cấp và thẩm quyền theo lãnh thổ. Do đó xác định được cả ba thẩm quyền trên của Tòa chính là bước đầu tiên trong quá trình giải quyết vụ án dân sự.
- Thẩm quyền giải quyết theo vụ việc của tòa án: Tranh chấp liên quan đến hợp đồng thuê dàn giáo có thể là một tranh chấp về hợp đồng dân sự hoặc là tranh chấp liên quan đến bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Căn cứ theo khoản 3, khoản 6 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, những tranh chấp này thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.
- Thẩm quyền theo cấp của tòa án: Theo điểm a khoản 1 Điều 37, điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng thuê dàn giáo là Tòa án nhân dân cấp huyện.
- Thẩm quyền theo lãnh thổ: Các bên trong tranh chấp căn cứ theo quy định tại Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 để xác định cụ thể tòa án nơi nào có thẩm quyền giải quyết, là tòa án nơi bị đơn cư trú hoặc làm việc, hay là tòa án nơi tranh chấp phát sinh,….
Sau khi đã xác định được Tòa án có thẩm quyền, ta phải soạn đơn khởi kiện để nộp Tòa yêu cầu giải quyết. Theo Điều 186 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, người khởi kiện tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đơn khởi kiện phải có những nội dung sau:
- Ngày, tháng, năm và địa điểm làm đơn khởi kiện (ví dụ: Hà Nội, ngày…tháng…năm…)
- Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện: nếu là tòa án cấp huyện thì ghi rõ tòa án huyện gì, thuộc tỉnh hay thành phố trực thuộc trung ương nào, và địa chỉ của tòa án đó.
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân. Nếu bên khởi kiện là tổ chức thì ghi rõ địa chỉ trụ sở; số điện thoại, và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân. Đối với tổ chức thì ghi rõ địa chỉ trụ sở; số điện thoại, và địa chỉ thư điện tử (nếu có), và cũng ghi rõ người đại diện theo pháp luật của tổ chức đó.
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân, nếu bên bị kiện là tổ chức thì ghi rõ địa chỉ trụ sở; số điện thoại, địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;
- Đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì cũng cung cấp thông tin tương tự như trên.
- Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
- Nếu có người làm chứng thì ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người làm chứng;
- Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.
Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm.
Khi Tòa án đã nhận được đơn khởi kiện cùng các tài liệu chứng cứ liên quan, Tòa sẽ lập biên nhận nhận tài liệu và yêu cầu người nộp đơn đợi vài ngày để Tòa án thụ lý giải quyết. Theo Điều 191 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:
- Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
- Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật này;
- Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
- Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng phí và sau đó Thẩm phán sẽ thụ lý vụ án.
Trên đây là bài viết Hướng dẫn giải quyết tranh chấp hợp đồng thuê giàn giáo xây dựng. Công ty Luật Long Phan tư vấn và tham gia giải quyết đối với tranh chấp này. Trong trường hợp cần hỗ trợ, xin hãy liên hệ Công ty Luật Long Phan PMT để được tư vấn miễn phí và hỗ trợ kịp thời.
Bài viết nói về: Hướng dẫn giải quyết hợp đồng tranh chấp thuê giàn giáo xây dựng - Nguồn trích dẫn từ: Luật Long Phan PMT
0 comments
Đăng nhận xét