Đối với một quốc gia giàu có bề dày văn hóa – lịch sử lâu đời như Việt Nam, việc phát triển và hội nhập thế giới luôn đi kèm với việc giữ gìn những văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Với chủ trương xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hiện nay dù trong việc cưới hỏi bắt đầu học tập vài nét của phương Tây nhưng một số tập tục như lễ dạm ngõ, lễ hỏi và lễ cưới vẫn được giữ gìn. Khi nhắc đến kết hôn, thông thường người ta sẽ chuần bị quà cưới (phổ biến nhất hiện nay là tiền mừng) nhằm chúc mừng đôi vợ chồng mới cưới. Tuy nhiên, khi ly hôn, có nhiều trường hợp vợ chồng tranh chấp về vấn đề quà cưới. Khi đó sẽ giải quyết như thế nào? Trong phạm vi bài viết, chúng tôi sẽ làm rõ về vấn đề này.
Tập tục mừng quà cưới
Chuẩn bị quà cưới cho con cái là suy nghĩ chung của các bậc cha mẹ ở Việt Nam hiện nay. Theo quan niệm cũ, nhiều người cho rằng, khi cô dâu mới về nhà chồng cần có một chút tài sản gọi là của hồi hôn, vừa dành để tiết kiệm chi tiêu sau này, vừa để nhà chồng coi trọng. Vì vậy nhiều gia đình nhà gái vì muốn con gái “có giá” trong mắt nhà trai nên phải lo liệu những món đồ giá trị như tiền bạc, vàng, trang sức để dành tặng cô dâu làm của hồi môn. Trước kia, của hồi môn thường chỉ món quà vật chất mà gia đình nhà gái tặng cô dâu, nhưng sau này, có thể hiểu chung đó là những món đồ giá trị mà cha mẹ hai bên trao tặng cô dâu trong lễ đón dâu.
Ngoài ra, theo quan niệm của dân gian, khi một đôi vợ chồng cưới nhau thì nhất thiết phải làm thủ tục đãi tiệc cưới nhằm công bố cho mọi người xung quanh biết về vợ/chồng sắp cưới và xác định một cách rộng rãi quan hệ vợ chồng của đôi vợ chồng. Thông thường, hiện nay, người dân Việt Nam luôn có một thói quen đi mừng tiền cưới thay vì quà cưới vì nhiều lý do.
Tuy với ý nghĩa khác nhau nhưng đều là món quà cho đôi trẻ, mong các con có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, sắc son, đầy đủ, sung túc.
Tài sản chung của vợ chồng
Điều 213 Bộ luật Dân sự 2015 quy định sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia. Sở hữu chung hợp nhất là sở hữu chung mà trong đó, phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu chung không được xác định đối với tài sản chung. Do không thể biết được số tài sản của mình trong số tài sản chung nên vợ và chồng có quyền ngang nhau đối với tài sản chung đó. Đồng thời phần quyền, nghĩa vụ của cả vợ và chồng là ngang nhau. Do đó, đối với tài sản chung thì một bên vợ hoặc chồng không có quyền tự ý chuyển nhượng tài sản này cho người khác. Ngoài ra, việc sở hữu chung sẽ chấm dứt nếu có sự phân chia tài sản và tài sản này sẽ trở thành tài sản riêng của từng người. Yếu tố có thể phân chia trong sở hữu chung hợp nhất có thể hiểu khi có thỏa thuận hoặc bản án của Tòa án thì khối tài sản chung này vẫn có phân chia.
Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 có quy định rằng Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng. Ngoài ra, trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
Quà cưới là tài sản chung hay tài sản riêng của vợ chồng
Quan hệ hôn nhân và gia đình là một quan hệ xã hội phức tạp vì có sự đan xen giữa yếu tố pháp lý và tình cảm. Khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Như vậy, quan hệ vợ chồng không tự nhiên chấm dứt, nếu muốn chấm dứt quan hệ vợ chồng thì phải có bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án. Đối với một vụ việc dân sự liên quan đến hôn nhân thường có 3 yêu cầu cần được giải quyết: Quan hệ hôn nhân, con cái và tài sản chung. Tương tự, khi có yêu cầu ly hôn, tài sản là một trong những yêu cầu chính mà các bên phải thỏa thuận hoặc Tòa án phải giải quyết.
Vì quà cưới cha mẹ các bên đã cho đôi vợ chồng nên thuộc về tài sản của vợ chồng. Tuy nhiên, việc xác định quà cưới là tài sản chung hay riêng của vợ chồng không hề dễ dàng. Xét các quy định của pháp luật hiện nay thì không có một quy định nào thể hiện một cách cụ thể của hồi môn là tài sản chung hay riêng của vợ chồng. Điều này phụ thuộc vào việc xét xử của từng Tòa và chứng minh của một trong hai bên vợ chồng.
Trên cơ sở quy định của pháp luật, xét thời điểm được cho thì vợ chồng đã đăng ký kết hôn chưa? Tài sản được cho riêng hay cho chung cho vợ chồng để xác định loại tài sản của vợ chồng. Đối với trường hợp đăng ký kết hôn trước khi tổ chức đám cưới và tài sản được cho hai vợ chồng thì là tài sản chung của vợ chồng. Còn nếu tài sản được cho riêng một vợ/chồng thì đó là tài sản riêng nếu chứng minh được (đây là nghĩa vụ quan trọng trong việc xác minh tài sản là riêng của vợ/chồng). Trường hợp đăng ký kết hôn sau khi cưới, khi mẹ chồng trao vàng cưới cho con dâu, cô dâu, chú rể lúc đó vẫn chưa là vợ chồng chính thức trên pháp luật thì quà cưới đó thuộc về tài sản riêng của cô dâu nếu như mẹ chồng nói là tặng riêng con dâu. Nhưng phần lớn cha mẹ thường nói tặng quà cho cả hai vợ chồng để tránh những vấn đề không hay xảy ra sau này.
Tuy nhiên, trên thực tế, ý nghĩa của quà cưới là nhằm chúc phúc đôi vợ chồng. Nghĩa là khi xác định mối quan hệ vợ chồng thì mới có quà cưới. Do đó, theo quan điểm của chúng tôi nên xem xét là tài sản chung của vợ chồng.
Thủ tục giải quyết khi xảy ra tranh chấp
Thông thường, các tranh chấp về tài sản sau khi ly của vợ chồng sẽ do vợ chồng tự thỏa thuận phân chia. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì có thể cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết. Căn cứ vào Khoản 1 Điều 28 Bộ luật Tố tụng Dân sự, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền tranh chấp quà cưới khi ly hôn của vợ chồng. Để có thể yêu cầu Tòa án giải quyết, trước hết, một bên vợ/chồng phải gửi hồ sơ khởi kiện đến Tòa án. Tòa án có trách nhiệm cấp ngay cho anh giấy xác nhận đã nhận đơn. Sau khi xem xét đơn khởi kiện, nếu đúng thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán sẽ gửi người khởi kiện thông báo đóng tạm ứng án phí giải quyết vụ án. Khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán thụ lý vụ án. Theo đó, vụ án sẽ được giải quyết theo đúng trình tự của pháp luật.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về việc giải quyết tranh chấp về quà cưới khi ly hôn của vợ chồng. Nếu có thắc mắc về vấn đề trên hoặc Quý khách hàng muốn được tư vấn trực tiếp hoặc yêu cầu hỗ trợ, vui lòng liên hệ Công ty Luật Long Phan PMT.
Bài viết nói về: Tranh Chấp Quà Cưới Khi Ly Hôn Được Giải Quyết Như Thế Nào? - Nguồn trích dẫn từ: Luật Long Phan PMT
0 comments
Đăng nhận xét