Tranh Chấp Nhãn Hiệu, Thương Hiệu Công Ty Giải Quyết Như Thế Nào?

No Comments

Câu chuyện “Kẹo dừa Bến Tre thắng kiện tại Trung Quốc” là một bài học thú vị về bảo vệ thương hiệu của mỗi doanh nghiệp Việt Nam. Những năm gần đây câu chuyện về thương hiệu của Việt Nam bị xâm phạm ở nước ngoài hay các thương hiệu nổi tiếng khác trong nước bị xâm phạm trên chính thị trường Việt Nam không còn là chuyện xa lạ. Vấn đề xâm phạm thương hiệu không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp mà nó còn ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến uy tín của doanh nghiệp, làm đánh mất niềm tin của khách hàng. Vì vậy, tìm ra cách thức giải quyết tranh chấp về thương hiệu, nhãn hiệu có ý nghĩa vô cùng lớn đối với các doanh nghiệp.

Quy định chung về thương hiệu, nhãn hiệu.
Quy định chung về thương hiệu, nhãn hiệu.

Thương hiệu, nhãn hiệu của các doanh nghiệp là gì?

Về mặt ngôn ngữ pháp lý, trong các văn bản pháp luật của Việt Nam về sở hữu trí tuệ không đề cập đến khái niệm thương hiệu. Trên thực tế thương hiệu của một công ty, doanh nghiệp là tên gọi mà mọi người thường sử dụng dùng để chỉ nhãn hiệu của công ty, doanh nghiệp đó theo đúng khái niệm được sử dụng trong pháp luật sở hữu trí tuệ. Cũng có thể hiểu khái niệm thương hiệu rộng hơn nhãn hiệu và nó còn bao hàm các yếu tố khác liên quan đến hình ảnh, uy tín, niềm tin của khách hàng dành cho sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp. Ngoài ra, thương hiệu cũng được nhắc đến như là cách đề cập đến các nhãn hiệu nổi tiếng trên thị trường.

Theo quy định tại Khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi bổ sung bởi Luật số 36/2009/QH12 văn bản hợp nhất số 19/VBHN-VPQH năm 2013 (sau đây gọi là Luật Sở hữu trí tuệ) thì nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Trong đó các các loại nhãn hiệu như sau:

  • Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.
  • Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.
  • Nhãn hiệu liên kết là các nhãn hiệu do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau dùng cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự nhau hoặc có liên quan với nhau.

Quy định của pháp luật Việt Nam về bảo hộ nhãn hiệu?

Nhãn hiệu và bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam.
Nhãn hiệu và bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ thì quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; đối với nhãn hiệu nổi tiếng, quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.

Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.
  • Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác..

Các dấu hiệu sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu theo quy định tại Điều 73 Luật Sở hữu trí tuệ:

  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước.
  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép.
  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài.
  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận.
  • Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ.

Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hóa do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp. Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó. Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 103/2006/NĐ-CP thì  người nộp đơn và mọi tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đến quyết định hoặc thông báo liên quan đến việc xử lý Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp ban hành có quyền khiếu nại với cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp hoặc khởi kiện ra toà án theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và pháp luật có liên quan.

Quyền khiếu nại chỉ được thực hiện trong thời hiệu sau đây, không kể thời gian có trở ngại khách quan khiến người khiếu nại không thể thực hiện được quyền khiếu nại:

  • Thời hiệu khiếu nại lần đầu là chín mươi ngày, kể từ ngày người có quyền khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định hoặc thông báo về việc xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp;
  • Thời hiệu khiếu nại lần thứ hai là ba mươi ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu quy định tại khoản 5 Điều này mà khiếu nại đó không được giải quyết hoặc tính từ ngày người có quyền khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.

Chủ sở hữu nhãn hiệu là tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hoặc có nhãn hiệu đã đăng ký quốc tế được cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc có nhãn hiệu nổi tiếng. Chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp có các quyền tài sản sau đây:

  • Sử dụng, cho phép người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp
  • Ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp
  • Định đoạt đối tượng sở hữu công nghiệp.

Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ, các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:

  • Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;
  • Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;
  • Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;
  • Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

Các biện pháp bảo vệ quyền đối với nhãn hiệu và phương thức giải quyết tranh chấp?

Bảo vệ nhãn hiệu và phương thức giải quyết tranh chấp.
Bảo vệ nhãn hiệu và phương thức giải quyết tranh chấp.

Theo quy định tại Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình:

  • Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
  • Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
  • Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
  • Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 200 Luật Sở hữu trí tuệ được xác định như sau

  • Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan Tòa án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
  • Việc áp dụng biện pháp dân sự, hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa án. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.
  • Việc áp dụng biện pháp hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Ủy ban nhân dân các cấp. Trong trường hợp cần thiết, các cơ quan này có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
  • Việc áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ thuộc thẩm quyền của cơ quan hải quan.

Trong trường hợp khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết thì thẩm quyền của Tòa án được xác định như sau:

  • Vì đây là tranh chấp liên quan đến nhãn hiệu của doanh nghiệp, nên chủ yếu là các bên có hoạt động thương mại và mục đích lợi nhuận tranh chấp với nhau, do đó tranh chấp được xác định là vụ án kinh doanh, thương mại theo quy định tại Khoản 2 Điều 30 BLTTDS 2015. Khi đó thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 37 BLTTDS 2015.

Ngoài ra, những tranh chấp mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Trong trường hợp khởi kiện yêu cầu Trọng tài thương mại giải quyết thì thẩm quyền của được xác định như sau:

Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo quy định của Luật Trọng tài thương mại. Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài theo quy định tại Điều 2 Luật Trọng tài thương mại 2010 gồm:

  • Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.
  • Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
  • Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.

Trong trường hợp này các bên hoàn toàn có thể thỏa thuận lựa chọn giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài vì đây là tranh chấp liên quan đến nhãn hiệu của doanh nghiệp, nên chủ yếu là các bên có hoạt động thương mại và mục đích lợi nhuận tranh chấp với nhau. Sau khi xảy ra tranh chấp, các bên có quyền thỏa thuận với nhau lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Tranh chấp nhãn hiệu, thương hiệu công ty giải quyết như thế nào? Nếu có thắc mắc về vấn đề trên hoặc Qúy khách hàng muốn được tư vấn trực tiếp, v vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH MTV Long Phan PMT để được tư vấn miễn phí. Xin cảm ơn!

Bài viết nói về: Tranh Chấp Nhãn Hiệu, Thương Hiệu Công Ty Giải Quyết Như Thế Nào? - Nguồn trích dẫn từ: Luật Long Phan PMT



0 comments

Đăng nhận xét

My maps