Luật Giải Quyết Tranh Chấp Đất Đai Bằng Giấy Viết Tay Như Thế Nào?

No Comments
Trước đây, khi điều kiện còn khó khăn thì hầu hết các giao dịch liên quan đến đất đai đều được ghi nhận bằng giấy viết tay. Tuy nhiên, hiện nay đa số các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất đều phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực và các giao dịch bằng giấy viết tay có thể không được công nhận. Vậy thì khi có tranh chấp đất đai bằng giấy viết tay thì có được giải quyết hay không? Thông qua bài viết dưới đây chúng tôi sẽ phân tích, làm rõ vấn đề giải quyết tranh chấp đất đai bằng giấy viết tay.


Giải quyết tranh chấp đất đai bằng giấy viết tay
Giao dịch đất đai bằng giấy viết tay

Giao dịch bằng giấy viết tay có giá trị pháp lý không?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 119 BLDS 2015 dẫn chiếu tới khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013, về nguyên tắc Hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản và có công chứng, chứng thực.
Tuy nhiên, vẫn có trường hợp ngoại lệ: Theo quy định tại khoản 1 Điều 129, giao dịch về đất đai dù không được lập thành văn và có công chứng, chứng thực thì vẫn được Tòa án công nhận có hiệu lực, với điều kiện một hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch.

Giải quyết bằng thủ tục hành chính

Theo Điều 202, Điều 203 Luật Đất đai 2013 và mục 4, chương 7 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 01/2017/NĐ-CP thì trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp được quy định như sau:
Thứ nhất, các bên có thể tự hòa giải tranh chấp đất đai thông qua tự thỏa thuận, bàn bạc trên tinh thần tự nguyện, tôn trọng lợi ích của nhau. Nếu không hòa giải được thì đương sự có quyền nộp đơn lên Ủy ban cấp xã yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
Sau khi nhận được đơn, Ủy ban cấp xã có trách nhiệm thẩm tra, xác minh nguyên nhân và thu thập các tài liệu có liên quan. Sau đó phải thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp và tiến hành tổ chức cuộc họp hòa giải có sự tham gia của các bên và thành viên Hội đồng hòa giải. Việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Nếu một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn.
Thứ hai, nếu tranh chấp đã được hòa giải nhưng không thành thì đương sự có quyền nộp đơn lên Ủy ban cấp có thẩm quyền, hoặc Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường để được giải quyết.
Chủ tịch Ủy ban cấp có thẩm quyền giao trách nhiệm cơ quan tham mưu giải quyết. Cơ quan này có nhiệm vụ thẩm tra, xác minh vụ việc, tổ chức hòa giải giữa các bên tranh chấp, tổ chức cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai (nếu cần thiết) và hoàn chỉnh hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban ủy ban nhân dân cùng cấp.



Giải quyết tranh chấp đất đai bằng giấy viết tay
Giải quyết tranh chấp đất đai bằng con đường hành chính

Giải quyết thông qua Tòa án

Thứ nhất, theo quy định tại Điều 186 BLTTDS 2015 thì cá nhân, tổ chức có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố Hợp đồng bằng Giấy viết tay vô hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Thứ hai, cá nhân, tổ chức làm đơn khởi kiện với nội dung theo Điều 189 BLTTDS 2015 gửi đến Tòa án có thẩm quyền.
Thứ ba, sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí và Thẩm phán tiến hành thụ lý vụ án.
Thứ tư, sau khi thụ lý vụ án Tòa án sẽ xem xét và chuẩn bị xét xử vụ án. Trong giai đoạn này, Tòa án sẽ tiến hành phiên họp kiểm tra giao nộp, công khai chứng cứ và hòa giải. Sau đó, Tòa án sẽ ban hành các quyết định như công nhận hòa giải thành, tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án. Tuy nhiên, nếu vụ án không rơi vào trường hợp này thì Thẩm phán phải quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và ban hành bản án hoặc quyết định.
Trong trường hợp không đồng ý với bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án, các bên có quyền kháng cáo, kháng nghị bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực theo thủ tục phúc thẩm.

Án phí xử lý tranh chấp

Căn cứ Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về án phí xử lý tranh chấp đất đai như sau:
Đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được xác định như sau:
  • Trường hợp Tòa án không xem xét giá trị, chỉ xem xét quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất của ai thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án không có giá ngạch;
  • Trường hợp Tòa án phải xác định giá trị của tài sản hoặc xác định quyền sở hữu quyền sử dụng đất theo phần thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp vụ án có giá ngạch đối với phần giá trị mà mình được hưởng.
Đối với tranh chấp về hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được xác định như sau:





Tranh chấp đất đai
Án phí giải quyết tranh chấp đất đai bằng giấy viết tay

  • Trường hợp một bên yêu cầu công nhận hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và một bên yêu cầu tuyên bố hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu và đều không có yêu cầu gì khác; nếu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu thì bên yêu cầu công nhận hợp đồng phải chịu án phí như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch; nếu Tòa án tuyên bố công nhận hợp đồng thì bên yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu phải chịu án phí như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch;
  • Trường hợp một bên yêu cầu công nhận hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và một bên yêu cầu tuyên bố hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu và có yêu cầu Tòa án giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu thì ngoài việc chịu án phí không có giá ngạch, người phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản hoặc bồi thường thiệt hại phải chịu án phí như trường hợp vụ án dân sự có giá ngạch đối với giá trị tài sản phải thực hiện nghĩa vụ.
Trường hợp tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, một bên yêu cầu trả lại tiền, đặt cọc và phạt cọc, một bên chấp nhận trả số tiền cọc đã nhận và không chấp nhận phạt cọc, mà Tòa án chấp nhận phạt cọc thì bên không chấp nhận phạt cọc phải chịu án phí như trường hợp vụ án dân sự có giá ngạch đối với phần phạt cọc. Trường hợp Tòa án không chấp nhận phạt cọc thì bên yêu cầu phạt cọc phải chịu án phí như trường hợp vụ án dân sự có giá ngạch đối với phần phạt cọc.
Như vậy, hầu hết các giao dịch đất đai bằng giấy viết tay sẽ đương nhiên bị vô hiệu vì vi phạm hình thức mà luật định. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, pháp luật vẫn công nhận hiệu lực của giấy viết tay. Khi xảy ra tranh chấp, cá nhân có thể thông qua con đường hành chính hoặc Tòa án nhằm giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền lợi của mình.
Trên đây là nội dung tư vấn về Luật giải quyết tranh chấp đất đai bằng giấy viết tay như thế nào?”. Trường hợp Quý khách hàng có bất cứ thắc mắc về nội dung bài viết hay cần hỗ trợ pháp luật, vui lòng liên hệ Công ty Luật Long Phan PMT qua hotline 0908 748 368 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

0 comments

Đăng nhận xét

My maps